Người Mỹ chết vì thuốc giảm đau gây nghiện nhiều hơn vì chiến tranh
Việc lạm dụng loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) đang dần cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Mỹ.
Dựa trên môt báo cáo của chính phủ Mỹ ngày 13/11, việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau nhóm opioid đang cướp đi nhiều mạng sống của người dân nước này hơn cả các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq,…
World News dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, số cựu chiến binh Mỹ, đặc biệt là những người từng tham gia vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, tử vong do nghiện thuốc giảm đau cao gấp đôi so với người bình thường.
Ở Massachusetts, 4-5 người qua đời mỗi ngày vì việc lạm dụng thuốc quá liều. Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng người dân Mỹ lại tiêu thụ đến 80% lượng thuốc giảm đau có chất gây nghiện trên toàn cầu.
Theo Reuters, những loại thuốc giảm đau có chứa tiền chất ma túy như opioid có độ nguy hiểm gấp 50 lần so với heroine.
Hiện nay, các quan chức y tế và chính phủ Mỹ đang cố gắng tìm cách ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc quá liều, vốn giết chết hơn 64.000 người Mỹ vào năm 2016. Năm 2015, hơn 52.000 người tử vong vì dùng thuốc giảm đau quá liều, trong đó phần lớn liên quan đến thuốc nhóm opioid. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể khiến Mỹ tiêu tốn 78,5 tỷ USD mỗi năm.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ có thể lan sang Châu Âu.
“Số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở Châu Âu đã tăng lên tới 8.441 trường hợp trong năm thứ ba liên tiếp và 81% trong số đó liên quan đến thuốc nhóm opioid”, nguồn tin cho hay.
Hậu quả khôn lường
Hơn 1 năm trước, Kyle qua đời ở tuổi 25 do dùng thuốc quá liều. Đến giờ, cha mẹ vẫn nhớ về anh như một đứa trẻ ngoan. Một ký ức mà họ không muốn làm hoen ố bởi những năm tháng chứng kiến anh dùng thuốc quá liều, tái nghiện và chiến đấu với heroin.
Nhà Kyle chỉ là một trong số ngày càng nhiều gia đình tại Mỹ đang phải chứng kiến người thân qua đời do lạm dụng thuốc giảm đau, trong đó có opioid.
Nguyên nhân của tình trạng lạm dụng thuốc gây nghiện giảm đau được cho là có bàn tay của một số bác sỹ Mỹ vô lương tâm khi kê đơn với sự thao túng của các hãng dược phẩm mặc cho các chuyên gia y khoa khuyến cáo – việc kê đơn thuốc giảm đau nhóm opioid cần phải thận trọng và chỉ sử dụng cắt cơn đau đối với các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau còn do cả thói quen sử dụng thuốc giảm đau thiếu kiểm soát của một bộ phận lớn dân cư tại Mỹ, khiến cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng.
Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ thuốc giảm đau lớn nhất trên thế giới, với hơn 2 triệu người nghiện các loại thuốc này.
Tuyên chiến
Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mới có thể giải quyết vấn nạn này trong xã hội Mỹ. Nhưng nước Mỹ đã sẵn sàng tuyên chiến với tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi tình trạng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ là “nỗi ô nhục quốc gia”, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng do nạn lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện này gây ra ở Mỹ.
Hồi tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ đã trở thành “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, coi đó là “thảm kịch” và cam kết đẩy mạnh các nỗ lực để chống lại “đại dịch” này.
Lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép chính quyền các bang sử dụng linh hoạt các nguồn ngân sách liên bang vốn dành để hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, để trợ cấp mất việc làm cho người nghiện thuốc giảm đau gây nghiện, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn này tại các vùng hẻo lánh.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ lập tức thu hồi trên thị trường một loạt thuốc giảm đau có nguy cơ đặc biệt cao. Những cá nhân và công ty buôn bán các loại thuốc giảm đau gây nghiện cho người dân Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với các “vụ kiện lớn”. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một đơn vị phụ trách giám sát việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách thuốc giảm đau có chất gây nghiện này. Nếu một bác sỹ kê thuốc giảm đau gây nghiện vì mục tiêu kiếm lời, hay một dược sỹ để thuốc lọt ra ngoài một cách gian lận, họ sẽ bị truy tố.
Cùng với các biện pháp của chính phủ Mỹ, một chiến dịch nhằm giảm thiểu số bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau đã và đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều trường đại học y ở Mỹ. Các khóa học chuyên đề trong chiến dịch này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng và tâm lý của bệnh nhân khi dùng thuốc giảm đau và giúp họ có nhận thức đúng đắn về thuốc giảm đau. Một số bệnh viện ở Mỹ cũng đang bắt buộc áp dụng các biện pháp thay thế thuốc giảm đau trong quá trình điều trị chấn thương.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ hồi tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã nhiều lần cam kết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tuyên chiến với nạn lạm dụng các loại thuốc giảm đau như Percocet, OxyContin, Heroin và Fentanyl. Dự kiến, trong tuần tới, một ủy ban do Tổng thống thành lập sẽ công bố báo cáo cuối cùng về thực trạng nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ. Các biện pháp ứng phó tiếp theo sẽ được đưa ra dựa trên báo cáo này.
Theo các chuyên gia, tìm hiểu nguyên nhân, để điều trị tận gốc, đó là những gì nước Mỹ cần phải làm ngay bây giờ trước khi quá muộn. Nếu không, nó sẽ càng khiến cho vấn đề thuốc giảm đau gây nghiện tại Mỹ trở nên khó lường hơn.
Bạch Vân (t/h)