Ai đã từng thấy Phật Thích Ca Mâu Ni?
Xin được bày tỏ lòng tôn kính tới những nghệ sĩ vô danh.
Tôi vẫn luôn tự hỏi: Khi người Ấn Độ tìm cách dựng tượng Thích Ca Mâu Ni, họ đã mô phỏng theo ai để tạo ra khuôn mặt và biểu hiện của ông, sau khi Thích Ca Mâu Ni đã rời khỏi thế giới này gần 500 năm?
Vào mùa Xuân năm 1992, tôi đến hang động A-Jiang ở Ấn Độ để chiêm ngưỡng tượng Phật được đúc từ nhiều năm trước. Tôi đã rất đỗi sửng sốt khi được chứng kiến một bức tượng Phật nguy nga ngồi sâu trong động, với một tâm thái trang nghiêm phi thường. Thật hiếm có người nghệ sĩ nào có thể dựng nên một bức tượng trang nghiêm với đầy đủ ý nghĩa tượng trưng như vậy.
Chúng ta hãy nhìn vào bàn tay. Trên bức tượng Phật, hai lòng bàn tay đối diện nhau phía trước ngực, ngón cái tạo với ngón trỏ hoặc ngón giữa hình một chiếc nhẫn. Cử chỉ này thể hiện rằng Đức Phật đang giảng Pháp.
Động tác này còn tượng trưng cho việc cởi một nút thắt, nhưng ở đây không phải là nút thắt theo nghĩa mà chúng ta có thể nhìn thấy.
Tiếp theo hãy quan sát đôi mắt của Đức Phật; đôi mắt mở hờ một nửa và nhìn xuống. Điều này có nghĩa rằng Đức Phật muốn chúng sinh hướng nội một nửa thời gian và hướng ngoại vào quãng thời gian còn lại. Khi hướng nội, chúng ta có thể tìm thấy một nút thắt rối rắm là kết quả của những thói quen lâu ngày. Nếu chúng ta có chân niệm, chúng ta có thể tháo gỡ từng phần của nút thắt. Nếu chúng ta có thể loại bỏ từng phần của căn nguyên, chúng ta có thể được tự do ở một số phương diện và do đó thay đổi quan niệm của chúng ta về thế giới quan bên ngoài.
Cuối cùng chúng ta hãy xem xét các đường nét và nụ cười không thể hiện rõ trên mặt Đức Phật. Khi con người có thể tuân theo các nguyên tắc trong tu luyện, phạm vi của nút thắt sẽ dần dần nhỏ lại. Sau đó chúng ta có thể thoát khỏi những chướng ngại được hình thành bởi những cảm xúc tiêu cực. Kết quả là con người có thể siêu xuất khỏi cái nhà tù của chính họ và đạt được trí huệ. Vì vậy chúng ta có thể mở lòng từ bi thông qua sự thấu hiểu, mỉm cười với thế giới bằng lòng từ bi, và đối đãi với các vấn đề hàng ngày bằng những lời nói bình tĩnh và tử tế.
Nguyên tắc “Hướng nội để tháo gỡ những nút thắt trong tâm chúng ta và nhìn ra bên ngoài với một nụ cười” đã được thể hiện thông qua những bức tượng Phật, những kinh sách Phật giáo và những tu sĩ, bắt đầu từ Châu Á cho đến phần còn lại của thế giới.
Là một người mến mộ cả Phật giáo lẫn nghệ thuật, tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đến các nghệ sĩ vô danh, những người đã dựng nên những bức tượng Phật này. Thông qua trí tuệ và kĩ năng vô song của mình, họ đã biến những bức tượng trở thành tác phẩm nghệ thuật kinh điển để thắp sáng tâm hồn nhân loại.
Theo Kanzhongguo