Nguồn gốc danh từ ‘Mạnh Thường Quân’
Chúng ta thường gọi những người hay làm từ thiện là các nhà Mạnh Thường Quân. Câu chuyện cổ về nguồn gốc của danh từ này là một bài học quý, đáng để suy ngẫm.
Mạnh Thường Quân là một người nghĩa hiệp thời Chiến Quốc, có tên là Điền Văn, làm tể tướng của nước Tề, được vua Tề phong ấp ở đất Tiết. Trong phủ ông luôn nuôi trên 300 thực khách, tính ông lại rất rộng rãi, thường đem tiền cho người khác vay mượn. Vì thực khách mỗi ngày một đông, số tiền chi tiêu không đủ, nên một hôm ông sai một thực khách là Phùng Hoan đi qua đất Tiết đòi nợ.
Trước khi lên đường, Phùng Hoan hỏi Mạnh Thường Quân: “Khi thu được tiền nợ, tướng công có cần mua gì về chăng?”
Mạnh Thường Quân đáp: “Xem trong nhà thiếu gì thì mua”.
Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan triệu tập dân đến tụ họp và nói:
“Hôm nay ta đến đây không phải là đòi nợ, mà là đến báo một tin mừng, chủ ta là Mạnh Thường Quân nói tiền nợ của quý vị phụ lão đã vay mượn đều khỏi trả, nên hôm nay sai ta đến đây để hủy bỏ tất cả những khế ước mà quý vị đã lập trong lúc vay mượn”.
Phùng Hoan nói xong, liền đem khế ước vay nợ của dân Tiết mang ra xé hết và đốt trước mặt mọi người. Khi đốt xong. Phùng Hoan từ giã dân Tiết, trở về báo cùng Mạnh Thường Quân.
Thấy Phùng Hoan về đến nhà, Mạnh Thường Quân hỏi:
“Thu nợ xong rồi có mua gì về chăng?”
Phùng Hoan đáp:
“Trước khi đi tôi đã xem xét kỹ lưỡng, thấy nhà của tướng công ngọc ngà châu báo chứa đầy kho, người đẹp đầy nhà, chó ngựa cũng đầy chuồng, chẳng thiếu gì hết. Chỉ có chữ nhân nghĩa là chưa đủ, nên hôm nay đi đòi nợ tôi đã dùng số tiền đó mua chữ nhân nghĩa cho tướng công rồi”.
Mạnh Thường Quân nghe Phùng Hoan nói xong, trong lòng biến sắc:
“Ta vì lo sợ trong nhà khách đông, bổng lộc không đủ chi tiêu mới sai tiên sinh đi thu nợ, nay tiền không thu được lại đem giấy nợ mang đi đốt, sau này chi tiêu không đủ thì thực khách sẽ bỏ ta mà đi hết, như thế gọi là mua nhân nghĩa hay sao?”
Phùng Hoan đáp:
“Đất Tiết là đất thế phong của tướng công, nhân dân đó sẽ là người cùng nhau sẻ ngọt chia bùi với tướng công. Nay kẻ hèn này mạo muội đốt bỏ giấy nợ, mục đích là để dân đất ấp biết cái đức của tướng công là trọng người khinh tài, như thế lòng nhân nghĩa của tướng công sẽ được truyền đi khắp nơi, đó là giúp tướng công thu phục nhân tâm vậy”.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị người gièm pha, bị vua Tề thu hồi ấn tướng và đuổi vế ấp Tiết. Dân ấp Tiết nhớ ơn xưa, trăm họ già trẻ đều dìu nhau, xếp hàng trăm dặm mà nghênh tiếp, Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh này mới nói với Phùng Hoan:
“Ý nghĩa mua nhân nghĩa của tiên sinh, đến bây giờ ta mới rõ”.
Thí ơn cho người, người sẽ ghi lòng tạc dạ, cảm nghĩa đời đời.
Câu chuyện này rất nhiều người đều biết, qua đó sự đa mưu túc trí và tầm nhìn xa trông rộng của Phùng Hoan khiến người ta cảm phục. Mạnh Thường Quân không thiếu thốn gì về vật chất, nhưng ông ta thiếu một chút ‘nhân nghĩa’, Phùng Hoan đã nhìn ra được thứ mà tương lai khi thế sự thay đổi hoặc chủ nhân thất thế có thể dùng đến.
Một trí giả hiểu rằng trời đất phong ba bão táp khó lường, con người có lúc thăng lúc trầm, cho nên khi có điều kiện thì phải biết tích đức hành thiện, phòng khi biến cố thì vẫn có thể bình an. Cho nên Phùng Hoan đã để lại cho chủ nhân của mình một con đường ‘nhân nghĩa’.
Trong lịch sử Trung Quốc, những trí giả như Phùng Hoan nhiều như sao buổi sớm, rất nhiều câu chuyện về họ còn lưu lại để truyền dạy người đời cách sống cho phải Đạo.
Cái tên Mạnh Thường Quân từ đó mà được dùng để chỉ những nhà hảo tâm, làm việc thiện vì người mà gây dựng đạo nhân nghĩa, Thần linh vì thế mà luôn phù hộ, độ trì.
Theo Minhhue