Một tiểu hành tinh rộng 1.000 mét sắp lướt qua Trái Đất
Các nhà khoa học cảnh báo một tiểu hành tinh ước tính rộng khoảng 1.000m sẽ bay lướt qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách gần vào ngày Thứ Sáu (27/3) tới, trường hợp thiên thể bay qua Trái Đất có kích thước khổng lồ như thế này chỉ xảy ra một lần trong 5.000 năm.
Vật thể 2014-YB35 sẽ lướt qua Trái Đất vào ngày Thứ Sáu (27/3) với vận tốc gần 37.000 km/h. Theo chương trình quan sát vật thể gần Trái Đất của NASA, khối đá khổng lồ sẽ bay qua với khoảng cách gần 4,5 triệu km. Hình ảnh quan sát của cơ quan này cho thấy tiểu hành tinh đang đi vào hướng quỹ đạo của Trái Đất. NASA hiện chưa xác định được kích thước chính xác nhưng ước tính độ rộng của nó từ 500 – 1.000m.
Các nhà khoa học cảnh báo nó có thể xóa sạch một quốc gia nếu va chạm với Trái Đất. Theo Express, một vụ va chạm với Trái Đất sẽ gây ra vụ nổ với sức mạnh tương đương hơn 15.000 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Các thiên thạch nhỏ thường xuyên bay qua Trái Đất, nhưng trường hợp vật thể bay qua có kích thước khổng lồ như thế này chỉ xảy ra một lần trong 5.000 năm.
Va chạm có thể tạo ra nhiều biến đổi khí hậu nghiêm trọng, gây động đất, sóng thần. Nếu xảy ra, nó sẽ tác động hủy diệt lớn hơn so với mức độ tàn phá trong sự việc Tunguska năm 1908, khi thiên thể ngoài hành tinh có chiều ngang 50 m rơi xuống vùng Siberia, san phẳng 80 triệu cây và gây sóng xung kích trên khắp nước Nga.
Bill Napier là giáo sư thiên văn học tại Đại học Buckinghamshire của Anh cho rằng, việc một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đâm vào Trái Đất có thể gây nguy hiểm. “Những sự việc có quy mô nhỏ hơn như Tunguska hoàn toàn là một nguy cơ thật sự, phần lớn vì chúng không được phát hiện và vì vậy chúng ta không chuẩn bị trước”, Napier nói.
“Với những thứ như YB35, chúng ta đang xem xét đến mức độ hủy hoại trên toàn cầu, điều có thể đe dọa đến sự tiếp nối của hành tinh. Tuy nhiên, những sự kiện như thế này rất hiếm khi xảy ra. Những thứ nhỏ hơn nhưng có tác động hủy hoại lớn mới là mối đe dọa thực sự”, ông Napier cho hay.
Theo VNE