ISIS chiếm đóng Libya, đe dọa châu Âu
Theo CNN hôm Thứ Ba (18/11), các tay súng trung thành với ISIS ở Libya đã chiếm đóng thành phố Derna, cách bờ biển phía Nam Liên minh châu Âu hơn 300 km, theo đó lực lượng cực đoan sẽ tiếp tục lợi dụng tình trạng chính trị hỗn loạn tại đây để thực hiện tham vọng bành trướng.
Chi nhánh của ISIS ở Libya hiện có 800 tay súng, trong đó 300 người vừa trở về từ Iraq và Syria, nơi ISIS kiểm soát một phần lãnh thổ không nhỏ.
Với tiền bạc và vũ khí dồi dào, nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã lôi kéo được một loạt tổ chức vũ trang lớn nhỏ từ Ai Cập đến Libya để phục vụ cho tham vọng bành trướng.
Một nguồn tin nói với CNN, Derna giờ đây không khác gì thành phố Raqqa, nơi đặt tổng hành dinh của ISIS ở Syria.
“ISIS là mối đe dọa nghiêm trọng ở Libya. Bọn họ đang trên đường thành lập một tiểu vương quốc Hồi giáo ở miền Đông nước này”, nguồn tin cảnh báo.
Diễn biến trên phần nào chứng tỏ tuyên bố mở rộng hoạt động ra toàn cầu mà thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đưa ra trong đoạn ghi âm hồi tuần rồi không phải lời nói suông. Không lâu sau đoạn ghi âm, một số nhóm vũ trang ở Ai Cập và Algeria đã tuyên thệ trung thành với ISIS.
“ISIS hiện là cái tên khét tiếng. Bọn họ được thừa nhận rộng rãi và đang thành công trong mắt những người ủng hộ”, ông Samer Shehata, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Trường ĐH Oklohama (Mỹ), nhận định.
Vũ khí dồi dào
Ngoài 200.000 tay súng (theo lời một quan chức người Kurd), thực lực của ISIS còn được củng có bằng số vũ khí hiện có. Một báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc cho biết, ISIS có đủ đạn dược, vũ khí hạng nhẹ và xe quân sự để chiến đấu ở Iraq và Syria trong vòng 6 tháng đến 2 năm. Theo đó, số vũ khí này sẽ giúp ISIS hạn chế thiệt hại từ sự tấn công của máy bay tầm thấp.
Ngay cả các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu cũng chưa thể giảm được số lượng vũ khí hạng nhẹ mà ISIS nắm giữ. Báo Guardian (Anh) nhận định, ISIS hiện không chỉ là nhóm khủng bố giàu nhất mà còn được vũ trang tốt nhất.
Việc ISIS tiến gần bờ biển châu Âu không phải tin tốt lành, nhất là sau khi chúng lôi kéo không ít phần tử cực đoan ở các nước tại châu lục này. Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm Thứ Ba (18/11) xác nhận, 2 công dân Pháp xuất hiện trong đoạn video ghi cảnh các tay súng ISIS hành quyết 18 tù nhân Syria và con tin người Mỹ Peter Kassig đăng tải cuối tuần rồi nhưng chưa rõ họ đóng vai trò gì.
Thống kê cho biết, khoảng 1.000 người Pháp có thể đã tham chiến ở Syria và Iraq, trong đó 375 người vẫn còn ở đó và ít nhất 36 người thiệt mạng.
Theo NLĐ