Ly kỳ chuyện thị vệ của Từ Hi thái hậu chỉ trong 2 cước đánh bại Hoắc Nguyên Giáp
Thời xưa võ thuật rất được xem trọng, người tầm sư học võ vô số, từ đó cũng xuất hiện những võ sư nổi tiếng và những màn so tài võ thuật kinh điển được người đời sau lưu truyền lại, một trong số đó là trận tỉ thí giữa Hoắc Nguyên Giáp và cận vệ của Từ Hi thái hậu.
Trung Quốc cổ đại vô cùng sùng võ, khoa bảng triều đình ngoài văn trạng nguyên còn có võ khoa trạng nguyên. Những văn võ bá quan được triều đình lựa chọn sẽ trở thành trụ cột quốc gia, phò trợ cho triều đình, cho nên trong lịch sử có rất nhiều người học võ, theo đó xuất hiện những màn tỉ võ so tài với nhau.
Cho đến cuối thời nhà Thanh, phong trào học võ vẫn còn rất mạnh mẽ. Thời gian này từng xảy ra một trận giao lưu tỉ võ được người đời lưu truyền lại đó là, Hoắc Nguyên Giáp – một võ sư nổi tiếng ở Thiên Tân đã đến gặp Lý Thụy Đông – cận vệ của Từ Hi thái hậu để tỉ thí.
Thoạt đầu mọi người đều cho rằng Hoắc Nguyên Giáp nhất định sẽ thắng, nào ngờ khi Hoắc võ sư đá 2 cước về phía đối phương, Lý Thụy Đông đã nói một câu khiến Hoắc Nguyên Giáp không dám đá nữa mà tâm phục khẩu phục nhận thua.
Lý Thụy Đông sinh năm 1851, bàn về tuổi tác thì ông hơn Hoắc Nguyên Giáp 17 tuổi. Mặc dù cha của Lý Thụy Đông chỉ là một quan chức nhỏ nhưng lại có hơn 40ha đất màu mỡ nên cũng được xem là địa chủ một vùng. Vì gia cảnh sung túc nên ông từ nhỏ đã có một cuộc sống ấm no, Lý Thụy Đông yêu thích võ thuật từ bé, vì chiều theo ý con trai nên cha của ông đã cho ông đi học võ.
Năm 1858, Lý Thụy Đông bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình ở võ đường “Đại Đao Tôn”, chỉ một thời gian ngắn ông đã tiến bộ thần tốc. Năm 12 tuổi, ông đến đạo quán Quan Đế ở Vũ Thanh bái Hàn đạo trưởng làm thầy, sau khi Lý Thụy Đông lớn hơn một chút, ông tìm đến võ hiệp Lý Lão Toại để học thế võ trạc cước.
Trạc cước là một môn võ truyền thống ở Trung Quốc, chủ yếu là luyện công phu từ phần hông trở xuống. Đam mê cùng với tập luyện chăm chỉ, chỉ trong vài năm, Lý Thụy Đông đã có chút thành tựu trong võ thuật, dành chiến thắng trong nhiều trận tỉ thí ở địa phương.
Tuy nhiên, người có ảnh hưởng lớn nhất đến Lý Thụy Đông không phải là những sư phụ bên trên mà chính là Vương Lan Đình – người đã đánh bại ông. Sư phụ của Vương Lan Đình là đại sư thái cực nổi tiếng Dương Lộ Thiền. Trong một lần tỉ thí so tài với Lý Thụy Đông thì Vương Lan Đình đã dễ dàng giành được chiến thắng.
Sau đó, Lý Thụy Đông muốn tôn người này làm sư phụ, nhưng Vương Lan Đình thấy rằng hai người vai vế ngang nhau, nên không tiện làm thầy trò chỉ có thể làm sư huynh đệ. Sau khi bái sư thành công, Lý Thụy Đông học được các kỹ năng Thái Cực Quyền tinh thâm từ Vương Lan Đình. Sau đó Lý Thụy Đông còn tự chế ra môn Thái cực quyền Lý thị.
Đến đây, Lý Thụy Đông đã hội tụ tinh hoa của nhiều môn võ từ khắp nơi, thân thủ của ông cũng đã đạt đến mức biến hóa khôn lường. Thấy võ công của Lý Thụy Đông ngày càng cao thâm, Vương Lan Đình đã giới thiệu ông với Đoan vương phủ, trở thành võ sư dưới trướng của Đoan vương gia.
Khi Từ Hi Thái hậu tổ chức tiệc mừng sinh nhật lần thứ 60, Đoan vương gia đưa Lý Thụy Đông vào cung, vừa là hộ vệ, đồng thời biểu diễn võ thuật góp vui. Trong bữa tiệc, Lý Thụy Đông biểu diễn các thế võ, sau đó lại thi triển khinh công. Từ Hi Thái hậu vô cùng kinh ngạc trước màn biểu diễn của ông, thậm chí còn cho rằng Lý Thụy Đông là thần ưng. Vì vậy, sau này Lý Thụy Đông còn có biệt danh là “thần ưng.”
Sau bữa tiệc, Lý Thụy Đông được Đoan vương gia tiến cử trở thành tứ phẩm đới đao thị vệ, chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của Từ Hi. Nhưng đến năm 1901, triều đình nhà Thanh ký “Hiệp ước Tân Sửu”, một trong những điều khoản của hiệp ước chính là triều đình sẽ cấm các tổ chức chống lại người phương Tây. Trước sức ép, Từ Hi Thái hậu phải để Lý Thụy Đông rời Tử Cấm Thành. Sau đó, Lý Thụy Đông dành hết tâm trí cho võ thuật, tiếp tục chuyên chú nghiên cứu quyền pháp và kỹ thuật trạc cước.
Để nói về màn tỉ võ giữa Lý Thụy Đông và Hoắc Nguyên Giáp, thì phải nhắc đến một người tên là Kim Đạt Quan. Khi đó Hoắc Nguyên Giáp cùng Kim Đạt Quan tỉ thí võ nghệ, người nay rất nhanh bị Hoắc Nguyên Giáp đánh bại. Sau khi bại trận Kim Đạt Quan lớn tiếng nói: ”Ngươi có bản lĩnh thì đi tỉ võ với Lý Thụy Đông đi, không chừng ông ta sẽ khiến cho ngươi răng rơi đầy đất cho xem!”
Lúc đó, Hoắc Nguyên Giáp trẻ tuổi sôi động nên đã tìm đến Lý Thụy Đông tỉ thí, vừa lúc Lý Thụy Đông đang dạy đệ tử luyện tập trạc cước trong sân nhà mình. Sau khi Hoắc Nguyên Giáp nói rõ ý đồ của mình, Lý Thụy Đông trước tiên khách khí mời Hoắc Nguyên Giáp vào nhà, sau đó hỏi cậu thanh niên trẻ tuổi trước mặt: “Cậu học võ từ ai?”, “Sở trường của cậu là quyền cước nào?” và “Cậu đã tập võ được bao nhiêu năm?” Hoắc Nguyên Giáp đều trả lời thành thật.
Sau khi xác định Hoắc Nguyên Giáp thực sự muốn tìm mình tỷ thí, hai người đi ra sân, mở thế trận. Lý Thụy Đông nói chỉ cần trong vòng 3 chiêu, nếu có thể khiến ông di động vị trí, thì cuộc tỉ thí này coi như ông thua. Chiêu đầu tiên, Hoắc Nguyên Giáp đá một cước hướng vào ngực của Lý Thụy Đông, Lý Thụy Đông bình tĩnh cúi người thành vòng cung, đón lấy cú đá của Hoắc.
Khi Hoắc Nguyên Giáp nhìn thấy phần thân trên của Lý Thụy Đông vững như núi, Hoắc liền dồn hết sức mạnh đá vào phía chân của Lý. Sau khi đá trúng, Hoắc Nguyên Giáp chỉ cảm thấy như mình vừa đá vào một khối thép, chân rất đau, đúng lúc Hoắc Nguyên Giáp chuẩn bị tung cú đá thứ 3, thì Lý Thụy Đông đột nhiên nói: “Hậu bối, một cước này cậu có thể giữ lại rồi.”
Câu nói này là để báo trước cho Hoắc Nguyên Giáp biết, hai chân của Lý Thụy Đông đã bày sẵn thế trận chỉ chờ Hoắc tấn công vào, nếu Hoắc vẫn muốn tiếp tục tỉ thí thì cú đá này chỉ có đi mà không có về. Sau khi biết rõ, Hoắc Nguyên Giáp chủ động nhận thua rồi rời đi, còn Lý Thụy Đông cũng nổi danh là biết nhường nhịn hậu bối.
Mặc dù tập võ không phải dùng cho việc tranh cao thấp hơn thua, nhưng trong lịch sử võ học cũng không thiếu người có tâm lý tranh cường háo thắng. Thực ra nếu chỉ ôm giữ mục đích trao đổi so tài thì 2 bên sẽ không làm tổn thương hòa khí của nhau, ngược lại đôi bên cũng có thể cùng nhau trao đổi, học tập tiến bộ, nâng cao kỹ năng võ học của bản thân.
Tử Vi (Theo Sound Of Hope)