Phụ nữ đang “thống lĩnh” nghị trường?
Trong lần họp Quốc hội này, những tiếng nói mạnh mẽ nhất không phải là từ các Đại biểu nam giới nghe nhiều quen tai như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Dương Trung Quốc… mà là đến từ những “bà Nghị” hãy còn rất trẻ.
Những ai theo dõi nghị trường mấy hôm nay hẳn phải rất ấn tượng với phiên tranh luận của 3 nữ ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) và Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai).
Hai nữ đại biểu đầu tiên một sinh năm 1978, một sinh năm 1984 đều còn rất trẻ. Trong ba ngày Quốc hội họp về KT-XH (3-4/11), cả hai vị này đã có những phát biểu thẳng thắn, cứng rắn nhắm vào ngành giáo dục nói chung, vấn đề SGK nói riêng.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thị Phương Thảo đã yêu cầu thu hồi lại SGK lớp 1 mới vào ngày 3 và tiếp tục giữ nguyên ý kiến này vào ngày hôm sau bất chấp một số đại biểu có ý “chuyện lớn hóa nhỏ”.
“Quan điểm của tôi là SGK đã sai phải sửa, không thể để một thế hệ học sinh của chúng ta phải học SGK sai sót như vậy”, vị nữ đại biểu nhấn mạnh.
Hôm sau (4/11), Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đưa ra những ý kiến còn cứng rắn hơn. Bà khẳng định “lỗi trong SGK chỉ có sai chứ không có nội dung chưa phù hợp” và yêu cầu phải truy trách nhiệm của các bên liên quan.
Nhưng ấn tượng nhất hẳn phải kể đến nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp. Bà là một Trung tá Công an nhân dân Việt Nam, con gái của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam (2002-2007).
Tại lần họp này của Quốc hội, nữ đại biểu đã làm nóng nghị trường khi nói rất thẳng, trực ngôn những vấn đề nhức nhối của xã hội. Bà nói năng lưu loát và có phần dí dỏm khi Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường bảo rằng rừng tự nhiên tăng 1,3 triệu ha trong 30 năm qua như thế này: “Nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự thấy sai sai”. Bả chỉ ra rằng mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ thì làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên?
Là một người con của đất đại ngàn Tây Nguyên, bà đứng lên mở lời vì lợi ích của đồng bào mình, cũng bằng một cách nói hài hước nhưng đủ “sâu cay” khi tranh luận về pin mặt trời, bà nói: “Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?”.
Theo dõi nghị trường có thể thấy các ông Bộ trưởng đã rất “chật vật” khi tranh luận với những bà Nghị này.
Từ Thức (t/h)