Dịch Vũ Hán: Nhà nghỉ, khách sạn sang nhượng ồ ạt vì ế khách
Dù đã được phép hoạt động trở lại nhưng nhiều khách sạn đến nay vẫn ‘cửa đóng then cài’, nhiều chủ đầu tư tại Hà Nội, TP.HCM… còn phải rao bán và chuyển nhượng quyền kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ của mình do ế ẩm, không thể duy trì trong dịch Vũ Hán (Covid-19).
Khách sạn, nhà nghỉ ồ ạt sang nhượng
Theo nguồn tin của phóng viên, do không đủ vốn để tiếp tục kinh doanh, mới đây, chị Trần Hoa đã phải sang nhượng gấp khách sạn Hanoi Passion Suite trên đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá rẻ bèo 350 triệu đồng.
Khách sạn này chị Hoa chỉ mới đầu tư được một năm và đã ký hợp đồng thuê nhà trong 10 năm với giá 2.700 USD/tháng (khoảng 63 triệu đồng).
Tương tự, khách sạn Saigon Palace trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) quy mô 27 phòng nghỉ cũng được chủ sang nhượng lại với giá 800 triệu đồng, trong đó 420 triệu là tiền cọc với chủ nhà cho hợp đồng thuê 10 năm.
Qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy không chỉ khách sạn mà hàng loạt nhà nghỉ quy mô 10-15 phòng tại Hà Nội hiện cũng đang được chủ rao sang nhượng lại với giá 80-100 triệu đồng kèm hợp đồng thuê dài hạn.
Trao đổi với phóng viên, anh Hải, chủ một khách sạn nhỏ trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh mỗi tháng là 50 triệu đồng. Mặc dù thanh toán theo tiến độ 3 tháng/lần và chủ nhà đã đồng ý hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho đến khi hết dịch nhưng hoạt động kinh doanh vẫn quá khó khăn.
TP.HCM chỉ có 15 khách sạn hoạt động
Được biết, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác của TP.HCM.
Tại khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, Phú Nhuận của TP.HCM, nhiều khách sạn, homestay cũng đang được chủ sang nhượng và bán lại do không có khách trong thời gian dài. Chủ một khách sạn lớn có quy mô 120 phòng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 đành phải bấm bụng rao bán khách sạn của mình với giá 950 tỷ đồng, bao gồm đất.
Nhiều khách sạn ở khu vực đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cũng đồng loạt được rao bán với giá khoảng 10-20 tỷ đồng. Được biết đây là khu vực khách sạn kinh doanh đạt lợi nhuận khoảng 200 – 300 triệu đồng/tháng vào thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến ngày 15/4, trên địa bàn chỉ còn 15 khách sạn hoạt động, nhiều khách sạn 5 sao chỉ còn khoảng 15-20 khách, các hoạt động tổ chức sự kiện không có nên doanh thu đều giảm mạnh. Đặc biệt hơn 145.000 lao động du lịch trực tiếp bị ảnh hưởng.
Đà Nẵng, Nha Trang.. khách sạn vẫn đóng cửa dù được phép hoạt động trở lại
Tại Đà Nẵng, Nha Trang, Huế… dù đã được hoạt động trở lại từ ngày 23/4 nhưng nhiều khách sạn tại những địa phương này vẫn ‘cửa đóng then cài’.
Dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp và sông Hàn (Đà Nẵng), hầu hết các khách sạn đều chưa mở cửa hoạt động trở lại, một số khách sạn đang thực hiện các hoạt động bảo trì, chỉ một vài khách sạn mở lại nhà hàng khu vực… tiền sảnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đắc Tuấn, chủ khách sạn Di Lusso Boutique nằm trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) – khu vực từng tập trung rất đông du khách cho biết, dù Đà Nẵng đã cho phép hoạt động trở lại nhưng hầu hết chủ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chưa muốn mở cửa do lượng khách du lịch đến địa phương này rất thưa thớt.
“Nói thật bây giờ mà mở cửa khách sạn chắc chắn sẽ không đón được khách, thu không đủ bù chi bởi chi phí tiền vận hành cho một khách sạn hoạt động là vô cùng lớn”, ông Tuấn tâm sự.
Tương tự, tại những khu vực tập trung nhiều khách sạn ở Huế và Nha Trang vẫn vắng vẻ bởi hầu hết các khách sạn vẫn chưa mở cửa trở lại.
Theo ông Lê Văn Sơn, tổng giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú chọn giải pháp tạm thời đóng cửa chờ thị trường ‘ấm’ lên. Nếu mở cửa ngay lúc này chi phí vận hành khách sạn sẽ rất lớn, ngay cả việc trả lương cho nhân viên là điều hết sức khó khăn, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hơn nữa, việc tạm đóng cửa sẽ giúp giảm thiểu một số khoản phí như tiền điện, nước, thuế… thay vì mở cửa mà lượng khách chẳng có bao nhiêu”, ông Sơn cho hay…
Vũ Tuấn (t/h)