Ca ghép phổi thành công cho bệnh nhân nhiễm dịch Vũ Hán làm dấy lên nghi vấn về nguồn cung tạng
Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài báo về ca “cấy ghép 2 lá phổi đầu tiên trên thế giới” cho một người nhiễm virus corona Vũ Hán vào ngày 1/3. Tuy nhiên, việc 2 lá phổi trong một thời gian rất ngắn được tìm thấy đã dấy lên nỗi lo về nguồn gốc của nó.
Trong khi Thời báo Hoàn Cầu và các phương tiện truyền thông Trung Quốc khác nói rằng hai lá phổi đến từ một người hiến tặng tình nguyện đã chết não, thì những chuyên gia giám sát nhân quyền đã đưa ra mối quan ngại về nguồn gốc của hai lá phổi và tự hỏi làm thế nào người ta có thể tìm được nhanh như vậy ở Trung Quốc.
Trong bài báo viết cho tạp chí trực tuyến Bitter Winter, nhà nghiên cứu Ruth Ingram bày tỏ: “Vào ngày 24/2, có một bệnh nhân chỉ còn có thể sống được trong vài ngày, sau khi bị suy giảm chức năng phổi cấp tính. Tuy nhiên, chỉ mất khoảng 5 ngày chờ đợi, 2 lá phổi hoàn toàn phù hợp với bệnh nhân đã được tìm thấy từ một người bị chết não đồng ý hiến tạng. Và chỉ cần 7 giờ vận chuyển bằng tàu cao tốc, 2 lá phổi đã được mang đến bệnh viện Vô Tích, nơi diễn ra ca cấy ghép”.
“Trong khi trên toàn thế giới, thời gian chờ đợi cho một lá phổi từ một người hiến tặng phù hợp có thể phải mất nhiều năm, thì ở Trung Quốc chỉ cần vài ngày là có thể tìm được hai lá phổi hoàn toàn phù hợp một cách nhanh chóng”.
Ingram chỉ ra rằng các báo cáo về việc cấy ghép 2 lá phổi trùng khớp với công bố về phán quyết cuối cùng của Tòa án Luân Đôn về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc đăng ngày 1/3.
“Báo cáo đầy đủ của tòa án có bằng chứng mới gây sốc rằng chính Chủ tịch Giang Trạch Dân (1993-2003) đã ban hành lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, và sự đồng lõa của chính phủ Trung Quốc được chứng minh trong những lần thu hoạch tạng”, Ingram nói, đồng thời cho biết các nạn nhân chính trong nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo của tòa án bao gồm những lời chứng thực được cung cấp từ các nhà nghiên cứu và các chuyên gia như Wendy Rogers, giáo sư đạo đức lâm sàng tại Đại học Macquarie ở Sydney, và Jacob Lavee, giáo sư phẫu thuật và là cựu chủ tịch của Hiệp hội cấy ghép Israel.
Giáo sư Lavee nói với tờ Daily Mail của Anh rằng, ông không nghi ngờ gì khi tin rằng phần lớn 712 bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc đã sử dụng nội tạng từ các nguồn phi đạo đức, như những tù nhân bị giam giữ vì đức tin của họ.
“Không chỉ các bác sĩ Trung Quốc liên quan đến việc giết người hàng loạt và tội ác chống lại loài người, mà cả cộng đồng quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì lý do nào đó đã nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác này”, Giáo sư Lavee nói.
Báo cáo cho biết, các lời chứng đến từ người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và một số người có liên quan đến các hoạt động mổ cướp nội tạng.
“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã xảy ra nhiều lần ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm và vẫn tiếp diễn đến tận ngày nay. Các học viên Pháp Luân Công thực sự được dùng như một nguồn cung – có lẽ là nguồn cung chính bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng”, báo cáo cho biết.
Dựa trên cuộc điều tra kéo dài một năm, phán quyết của phiên tòa đã khiến nhiều người lo ngại rằng tội ác này đã diễn ra từ lâu, trước khi sự việc được đưa ra ánh sáng lần đầu vào năm 2006 – các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù và bị giết hại để lấy nội tạng ở Đông Bắc Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện tâm linh bao gồm các bài tập khí công, thiền định và một bộ các nguyên lý đạo đức dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tập được phổ biến rộng rãi vào cuối những năm 1990 với khoảng 70 đến 100 triệu người tập.
Vào tháng 7/1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp khủng bố và phỉ báng, bôi nhọ người tập môn này. Kể từ đó, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại lao động, các trại giam hoặc nhà tù, nhiều người bị tra tấn đến chết. Ngoài ra, một lượng lớn các học viên đã bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống. Ngày nay, cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc.
Tiểu Phúc (Theo Vision Times)