Bác sĩ Trung Quốc vừa qua đời vì virus corona có liên quan đến mổ cướp nội tạng
Bác sỹ Lâm Chính Bân (Lin Zhengbin), 62 tuổi, chuyên gia đầu ngành về ghép thận tại Trung Quốc đã tử vong vào sáng 10/2 , chưa đầy một tháng sau khi xác nhận bị lây nhiễm virus corona, theo Health Times.
“Chúng tôi là bạn thân suốt nhiều năm. Sức khỏe của anh ấy tốt và không có bệnh tật gì. Vì vậy, không ai ngờ tình trạng của anh ấy xấu đi nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng đến vậy”, ông Song Jianxin, đồng nghiệp của bác sĩ Lâm tại Bệnh viện Tongji, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nói vớ tờ Health Times hôm 10/2.
Health Times dẫn lời một bác sĩ giấu tên cho hay, ông Lâm có thể đã bị nhiễm virus corona trong đợt kiểm tra sức khỏe tại khoa ngoại trú của bệnh viện. “Trung tâm kiểm tra nằm cùng tầng với khoa nhi vô cùng đông đúc. Nhiều người đến và đi, trong khi các biện pháp cách ly lúc đó chưa được áp dụng”, người này cho hay.
Trong khi giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi ông Lâm Chính Bân là một bác sỹ danh tiếng, thực tế là ông này nằm trong danh sách các nghi phạm thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ những người còn sống, đồng nghĩa với việc giết hại những công dân vô tội để làm giàu cho bản thân và hệ thống cấy ghép của chính quyền Trung Quốc.
Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), ông Lâm Chính Bân là một trong số nhiều nhân viên y tế Trung Quốc trực tiếp tham gia vào những ca cấy ghép bị nghi ngờ có sử dụng nội tạng thu hoạch cưỡng bức.
Báo cáo đã công bố danh sách 268 nghi phạm, trong đó cho biết ông Lâm đã tham gia các ca “mổ lấy nội tạng” từ 65 người trong thời gian từ tháng 1/2000 tới tháng 8/2006. Hiện chưa có thống kê về số lượng những ca mà ông Lâm có tham gia ngoài khoảng thời gian trên.
Trong khi giới chức Bắc Kinh đang lấp liếm những điểm bất thường về ngành cấy ghép tạng, đất nước Trung Quốc đang trải qua một trận đại ôn dịch chưa từng có. Mặc dù chính quyền Trung Quốc không công bố có bao nhiêu nhân viên y tế mắc bệnh viêm phổi cấp, nhưng nhiều người được cho là đã nhiễm nCoV.
Theo nguồn tin y tế từ báo South China Moring Post, đã có ít nhất 500 nhân viên y tế tuyến đầu tại Vũ Hán đã nhiễm bệnh và có ít nhất 3 y bác sĩ đã chết vì dịch bệnh này.
Reuters bình luận rằng Trung Quốc đã không học được bài học từ dịch SARS lây nhiễm mạnh hồi 2002-2003. Khi đó Bắc Kinh cũng tìm cách ém nhẹm thông tin khiến thế giới chỉ trích. Hậu quả của thái độ che giấu đó khiến hơn 650 người chết, 8.000 người bị nhiễm bệnh.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch khẳng định “Trung Quốc đã không nói tất cả sự thật về virus corona” và đã “che giấu nhiều báo cáo về dịch bệnh này khi sự thật đã được phơi bày tại Vũ Hán“.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán và đã lan rộng 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến ngày 12/2, toàn thế giới có ít nhất 45.171 người lây nhiễm và 1.115 người thiệt mạng. Chính quyền Vũ Hán đã tiếp tục siết lệnh phong tỏa, giám sát chặt chẽ hơn những tòa nhà có trường hợp nhiễm virus.
Theo New York Times, việc người bệnh bị dồn vào các trại cách ly tạm thời với điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn, khiến cảm giác bị bỏ rơi và sợ hãi càng tăng lên ở Vũ Hán. Nhiều ý kiến cho rằng thành phố này và tỉnh Hồ Bắc đang bị hy sinh vì lợi ích lớn hơn của Trung Quốc.
Được biết, Vũ Hán đã bị đóng cửa và cô lập vì sự lây lan bắt đầu từ hơn một tháng trước. Việc phong tỏa giao thông gây khó khăn trong việc phục hồi nguồn cung cấp y tế đang cạn kiệt cho tỉnh với hơn 50 triệu người, làm tăng nguy cơ thiếu lương thực.
Trong khi đó, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng và nhanh chóng lan đến nhiều thành phố, thị trấn của Trung Quốc. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu các hành động của chính phủ có gây khó khăn quá mức cho người dân trong khi ít làm chậm sự lây lan của dịch bệnh hay không.
Thiện Thành (t/h)