Đắng nghẹn cõi lòng nơi “Cánh đồng chết”
Cách thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) khoảng chừng 20km là địa danh cánh đồng chết Choeung Ek. Mảnh đất này từng là nơi thảm sát những người dân Campuchia vô tội dưới chế độ diệt chủng tàn bạo của Pol Pot những năm 70.
Mặc dù điểm tham quan chỉ là một phần của Cánh đồng chết năm xưa nhưng quá khứ tang thương vẫn khiến mỗi du khách thấy như bị nghẹt thở trong đớn đau, và sự kinh hãi trước những cảnh tượng trước mắt…
Tháp tượng niệm lưu giữ khoảng 8000 sọ nạn nhân
Ngay khi bước qua cánh cổng vào khu tưởng niệm, du khách sẽ được trang bị một hệ thống máy phát thanh với các ngôn ngữ khác nhau để có thể hiểu được tường tận các địa điểm ở Choeung Ek. Những hàng cây xanh bóng mát trong khu tham quan làm dịu đi cái nóng rát của một ngày nắng thế nhưng chỉ chừng dăm bước chân, những ám ảnh tang thương như thước phim quay chậm đưa bạn trở về ngày tháng cũ đầy cảm xúc và sự tức giận bỗng chốc dâng trào.
Những bãi xương người, những hố chôn tập thể đã được khai quật, khoanh vùng và đặt tên, đặt số thứ tự như các Hố chôn tập thể 450 người; Mộ người Trung Hoa, mẩu xương và răng; Mộ tập thể 166 nạn nhân không đầu; Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ…và có cả những hố chôn vô danh mà ngày mưa người ta lại thấy trồi lên những mảnh xương người!
Tất thẩy mọi người đều giữ một sự im lặng và nhẹ nhàng đi trên những con đường đất. Ai cũng có cảm giác nếu đi mạnh sẽ chẳng may dẫm lên những mảnh xương người vẫn còn nằm len lỏi trong đất này. Sự ghê rợn về tội ác dã man của chế độ Pol Pot càng được khắc đậm khi khách tham quan tiến vào những phòng trưng bày các dụng cụ giết người, các cách hành hình và chất hóa học.
Ôi không có nơi nào du khách lại có cảm giác ghê sợ chạy dọc sống lưng trong suốt quá trình tham quan như ở Choeung Ek này. Người Campuchia giết hại chính người Campuchia. Và còn đau đớn hơn khi bạn chứng kiến ngôi mộ của những đứa trẻ sơ sinh. Bên cạnh ngôi mộ là “cây giết người” dùng để quật chết những sinh linh vô tội chỉ vì một lý do duy nhất là “diệt cỏ phải diệt tận gốc” để không có ai trả thù sau này của Pol Pot.
Mộ tập thể 166 nạn nhân không đầu
Ở xứ Campuchia nổi tiếng với cây thốt nốt là thế nhưng cho đến tận khi đặt chân đến đây, nhiều người mới biết lá cây thốt nốt sắc nhọn được dùng để cứa cổ người vì không đủ đạn để quân Pol Pot tàn sát đồng bào mình nữa!
Trước khi đến với điểm đến cuối cùng là tháp tưởng niệm thì du khách sẽ nghe câu chuyện về “Cây ma thuật” – đó là cái tên người ta đặt cho một cây to, có lá gần giống với lá cây bồ đề. Thế nhưng “ma thuật” ấy không cứu rỗi được sự sống mà chính ở đây, đêm xuống Pol Pot cho bật những bài ca, điệu nhạc để át đi những tiếng kêu rên của những người bị tàn sát, giết hại bằng búa rìu, gậy gộc, dao lục…Điểm dừng chân cuối là một ngôi tháp tưởng niệm chứa trên các tầng khoảng 8.000 hộp sọ các nạn nhân diệt chủng. Trước khi bước chân vào tháp, mỗi du khách có thể bày tỏ lòng thành kính với những cánh hoa trắng hay nén hương, nến thơm cho người đã khuất. Những chiếc hộp sọ trong tháp còn ghi rõ những vết tích tra tấn, những đường nứt, rãnh nứt dọc ngang được tạo ra từ những những cú bổ, phang của cây, búa rìu…không thương tiếc của đám quân hung tàn Pol Pot.
“Cây giết người” bên ngôi mộ trẻ sơ sinh và mẹ
Những chiếc vòng tưởng niệm nạn nhân đủ các màu sắc thường được treo lên bên các hàng rào ở trong các ngôi mộ tập thể hay vô danh của khu tưởng niệm. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng những người làm việc ở Choeung Ek vẫn tìm thêm được những mảnh xương mới lộ thiên sau những cơn mưa kéo dài. Nỗi đau thương của quá khứ vẫn ám ảnh người dân Campuchia hôm nay. Thế nhưng một trang lịch sử mới đã mở ra. Và bên cạnh cánh đồng chết, du khách đã nhìn thấy màu xanh của lúa, của hi vọng, ấm no và những nụ cười hồn hậu của người dân Choeung Ek.
Những chiếc vòng treo tưởng nhớ các nạn nhân
Bài và ảnh: VyVy
Nguồn: Dân Trí