Tể tướng Địch Nhân Kiệt vì sao lại xấu hổ khi đối mặt với người này?
Tể tướng nổi tiếng thời Đường – Địch Nhân Kiệt, một vị quan thanh liêm chính trực, được người người tán tụng. Thế nhưng, có một người phụ nữ lại khiến Địch Nhân Kiệt phải cảm thấy xấu hổ vạn phần, không bao giờ muốn chạm mặt.
Địch Nhân Kiệt là một vị quan thanh liêm chính trực, không a dua, nịnh hót, chấp pháp nghiêm minh, cứ mỗi lần nhắc đến ông, đa số mọi người đều giơ tay tán thưởng. Lúc làm quan dưới triều đại Võ Chu, Địch Nhân Kiệt đã từng mạnh dạn dùng lời khuyên can Võ Tắc Thiên, giúp sức bảo vệ Đại Đường.
Một người như Địch Nhân Kiệt, luôn lấy chữ nghĩa làm đầu, ông đã dám bỏ tánh mạng sang một bên để khuyên can Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, ông lại không dám đối diện một cách công khai với người dì của mình, mà cảm thấy xấu hổ không chịu nổi trước người phụ nữ này.
Trong cuốn “Tùng song tạp lục” có ghi chép lại một giai thoại như sau: Địch Nhân Kiệt đảm nhiệm chức vụ Tể tướng dưới triều đại của Võ Tắc Thiên. Lúc đương thời, người dì của Địch Nhân Kiệt họ Lư, sống trong một trang viên phía nam Ngọ Kiều. Dì Lư có một người con trai độc nhất.
Địch Nhân Kiệt từ trước đến nay chưa từng đích thân tìm hiểu, thăm viếng họ hàng thân thích sống nơi đô thành. Vì nước tận tâm, tận lực, Địch Nhân Kiệt vì đế vương làm việc hết mình. Đến cuối năm, ông mới có dịp nghỉ ngơi được vài ngày.
Vào một ngày, Địch Nhân Kiệt thu xếp công việc, bớt chút thời gian đến trang viên để thăm viếng người dì nói trên, trùng hợp gặp được biểu đệ đang đi săn trở về nhà. Địch Nhân Kiệt chỉ thấy biểu đệ này dưới nách mang theo cung tên, trong tay lại mang theo trĩ núi, thỏ rừng. Sau đó còn đi vào nhà hầu hạ mẫu thân ăn cơm.
Lúc này, cậu em họ thuận đường dừng lại lên tiếng chào hỏi Địch Nhân Kiệt đang ở bên cạnh mẫu thân anh ta. Xem bộ dạng, biểu đệ không có vẻ để ý gì đến Địch Nhân Kiệt, dùng ánh mắt khác để đối đãi với vị Tể tướng đương triều, quyền cao chức trọng.
Địch Nhân Kiệt thấy thế lấy làm thích thú, liền đón đường nói: “Ta hôm nay là Tể tướng triều đình, biểu đệ nếu như muốn làm gì, ta sẽ tìm cách giúp đệ được như ý nguyện”.
Lúc ấy, dì của Địch Nhân Kiệt đã mở miệng: “Đảm nhiệm chức Tể tướng quả thật là quyền cao chức trọng, nhưng ta chỉ có một đứa con trai duy nhất này, vì thế ta không muốn cho nó đi hầu hạ nữ Hoàng đế”. Lời nói của dì Lư đã làm cho Địch Nhân Kiệt cảm thấy xấu hổ vạn phần.
Nói cho cùng, thân ở cõi thế tục, khi đứng trước lợi ích khó ai cưỡng lại được. Khi đối mặt với người giàu có, quyền lực luôn khiến cho người khác có mong muốn cầu làm thân thích, tạo mối quan hệ để tiến thân, mong hưởng được một chút vinh quang hoặc chiếm được một chút danh lợi hoặc lợi ích.
Vì vậy, lời của dì Lư đã khiến người ta không khỏi phải suy nghĩ. Hơn nữa, người đang nói đến là Địch Nhân Kiệt, một người vì dân, vì nước, không phải là một người như gian tướng Lư Kỷ.
Tuy nhiên, nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác, Địch Nhân Kiệt vì sao lại cảm thấy xấu hổ?
Địch Nhân Kiệt làm quan tại triều đình, không tránh khỏi phải làm những việc cảm thấy thẹn với lương tâm, đôi khi việc làm còn xuất phát từ tư lợi. Nếu là như thế thì cũng không có gì đáng trách cả. Một người nếu nói là không hề toan tính riêng cho mình, không vì một chút danh lợi nào mà sống thì cũng không hiện thực.
Bởi vì, con người sống tại cõi trần tục, khó thoát khỏi cảnh thất tình lục dục, tranh chấp danh lợi! Huống chi, ai có thể thật sự giống như Địch Nhân Kiệt, nhiều lần quên cả sống chết để trung thành với ý kiến ngay thẳng của mình. Nhưng hành vi của ông cũng là vì muốn đền bù khuyết điểm hoặc khắc phục sai lầm, để đạt đến mục đích lý tưởng mà mình mong đợi!
Mặt khác, mỗi người đều có cảnh giới, tâm tư không giống nhau, tâm tính của dì Lư cũng giống như ẩn sĩ Hứa Do không màng danh lợi, Sào Phụ, Đào Uyên Minh hoặc giống như Bá Di và Thúc Tề ôm ấp trong lòng sự căm phẫn tên bất lương Chu Túc!
Chúng ta tuy chưa hẳn đồng ý với cách nghĩ của dì Lư, nhưng chúng ta cũng nên thử lý giải với người không cùng lập trường. Thử nghĩ, nhìn quanh mình, người không đồng ý với ý kiến của mình chắc hẳn là không ít. Cho nên trước khi chúng ta có cách lý giải về người nào đó, sự việc nào đó, không nên phê phán, tự cho mình, luận điểm của mình là đúng, vì trên đời, người giỏi còn có người giỏi hơn, “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”!
Suy nghĩ một chút, người có cảnh giới cao thâm hơn chúng ta nhiều lắm, chúng ta đều bị vô minh che phủ, lý trí bị che mờ, nhìn sự vật dưới con mắt tầm thường là điều không thể tránh khỏi. Đối mặt với người có cảnh giới cao thâm, thì khó có thể lý giải được rõ ràng, khó có được cái nhìn thấu đáo.
Tuệ Tâm (Theo Secretchina)