Facebook đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có
Ngày 14/11, báo New York Times có bài viết về một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có mà Facebook phải đối mặt, về mặt quyền riêng tư, kiểm soát tin vịt, các phát ngôn gây thù hận cho đến ảnh hưởng của Facebook tới cuộc sống bình thường.
Tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park, California, các lãnh đạo của Facebook đang tập trung lại bên trong phòng họp có tường kính cùng với Mark Zuckerberg. Đó là vào tháng 9/2017, hơn một năm sau khi các kĩ sư Facebook phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ về hoạt động của Nga trên mạng xã hội này nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Trong khi đó, quốc hội và những nhà điều tra liên bang thì đang chuẩn bị những bằng chứng có thể làm khó cho Facebook.
Nhưng đây không phải là thứ khiến Sandberg bực mình. Thay vào đó, Alex Stamos, người đứng đầu bộ phận bảo mật của công ty, đã nói với ban lãnh đạo 1 hôm trước rằng Facebook vẫn chưa thể hạn chế được những ảnh hưởng từ Nga. Phát ngôn này của Stamos đã khiến ban lãnh đạo tra hỏi Sandberg, hiện đang là COO (giám đốc vận hành) của Facebook, cũng như hỏi luôn cả sếp bà là Zuckerberg.
“Ông đã phản bội chúng tôi”, bà hét lớn vào Stamos, theo những người có mặt tại cuộc họp này.
Những sự cố diễn ra vào ngày hôm đó là hồi chuông cảnh tỉnh, cho cả Zuckerberg, cả Sandberg cũng như cho doanh nghiệp mà họ đã cùng nhau xây dựng. Trong ít hơn một thập kỉ, Facebook đã kết nối hơn 2,2 tỉ người trên toàn thế giới, và ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như thế giới chính trị. Song song đó, Facebook cũng thu thập được rất nhiều dữ liệu, từ những lượt click, từ những tấm ảnh, các tin nhắn được gửi đi… Đây là một kho báu vô giá.
Tuy nhiên, Facebook đã không kiểm soát được những thông tin đăng tải trên mạng xã hội này để rồi chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, cũng như các phát ngôn gây thù hận, bạo lực ngày một nhiều lên. Trong quá trình công ty phát triển, Zuckerberg và Sandberg đã bỏ qua những “dấu hiệu cảnh báo sớm” rồi sau đó cố gắng che giấu chúng khỏi sự chú ý của thế giới. Họ đã bị phân tâm bởi các dự án cá nhân, chuyển giao các vấn đề về bảo mật và chính sách cho cấp dưới xử lý, theo những quan chức khác trong Facebook.
Khi người dùng Facebook phát hiện ra rằng quyền riêng tư của họ đã bị đánh đổi để lấy sự tăng trưởng cho Facebook, và dữ liệu của hàng chục triệu người đã bị sử dụng bởi Cambridge Analytics để gây tác động bầu cử, Facebook đầu tiên đổ thừa cho những công ty khác. Khi kế hoạch thất bại, Facebook chuyển sang thế tấn công. Và Zuckerberg đã phải xin lỗi người dùng.
Trong thời gian Trump vận động tranh củ, ông đã viết trên Facebook rằng người nhập cư cũng như tị nạn Hồi giáo là mối nguy cho Mỹ. Bài post đó đã được 15.000 lượt share trên Facebook và đây là biểu tượng cho thấy sức mạnh của Facebook trong việc lan truyền các phát ngôn có thể gây phân biệt chủng tộc hoặc lòng thù hận.
Zuckerberg đương nhiên không thích điều này, trước đó ông đã giúp lập ra một quỹ hỗ trợ người nhập cư. Vậy nên hôm đó Zuck đã hỏi rằng liệu bài post của Trump có vi phạm chính sách của Facebook hay không. Thường Zuckerberg sẽ không hỏi những thứ như vầy, ông tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh và kĩ thuật, còn chuyện chính trị là của Sandberg lo.
Nhưng lần này Zuckerberg đã chú ý tới điều đó, và sau khi tư vấn Joel Kaplan, một chính trị gia từng học chung trường Harvard với Sandberg rồi sau đó phục vụ cho chính quyền tổng thống George W. Bush, đã cảnh báo rằng “Không nên chọc con gấu” (nguyên văn: Don’t poke the bear).
Kaplan cảnh báo rằng Trump là một nhân vật quan trọng, và việc khóa tài khoản của ông hay xóa bài đăng có thể xem như việc vi phạm tự do ngôn luận và tạo ra nhiều khó khăn với Facebook. Zuckerberg không tham gia vào việc thảo luận, còn Sandberg có dự một số buổi họp qua video nhưng cũng ít khi nói gì. Cuối cùng Facebook quyết định không làm gì cả.
Cuối cùng, Trump cũng thắng cuộc bầu cử, có cả quyền với Nhà trắng lẫn Quốc hội. Vậy nên Kaplan phải lên một kế hoạch khác. Công ty tuyển Jeff Sessions, người từng làm trợ lý cho ban luật của Trump và cũng có nhiều mối quan hệ với các công ty vận động hành lang có thể tác động tới những nhà làm luật. Họ là những người có thể đưa ra quyết định quan trọng liên quan tới các công ty Internet.
Đây chỉ là một số trong nhiều cuộc khủng hoảng mà Facebook đang gặp phải, tất cả tổng hợp thành một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có đối với công ty. Các nhà làm luật ở khắp Châu Âu và Mỹ đang điều tra hãng này vì các cáo buộc làm rò rỉ dữ liệu người dùng. Mới đây, gã khổng lồ công nghệ lại dính thêm scandal bị can thiệp về bảo mật với hàng chục triệu tài khoản có thể đã bị lấy thông tin, cùng hàng loạt những chỉ trích vì cách mạng xã hội này kiểm soát thông tin bất lợi cho chính họ cũng như không quản được những phát ngôn thù hận. Chính quyền Trump cũng đang xây dựng nhiều dự luật bảo mật quốc gia, báo hiệu những khó khăn sắp tới cho một mô hình kinh doanh dựa vào dữ liệu như Facebook đang áp dụng.
Trong cả năm qua, Zuck đã liên tục bị chất vấn rằng liệu ông có nên từ chức không, nhưng lần nào cũng thế, Zuckerberg luôn khẳng định là không.
>>> 3 cách Facebook trở thành cánh tay kiểm duyệt của chính phủ Mỹ
>>> Facebook bày tỏ quan điểm về Việt Nam tại phiên điều trần
Theo TinhTe.vn