Kho báu vô giá 2.800 năm tuổi ở Kazakhstan hé lộ kỹ thuật tinh vi thời cổ đại
Gần đây, một kho báu có niên đại 2.800 năm tuổi với hàng ngàn hiện vật bằng vàng và kim loại quý đã được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Kazakhstan, thuộc Trung Á.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, các nhà khảo cổ đã khai quật được khoảng 3.000 hiện vật bằng vàng và kim loại quý được chôn giấu trên ngọn núi hẻo lánh, nằm sâu trong vùng núi Tarbagatai heo hút tại Kazakhstan.
Người ta tin rằng kho tàng “không thể đếm xuể” này thuộc về những thành viên hoàng gia hoặc quý tộc người Saka, những người đã thống trị vùng Trung Á suốt 8 thế kỷ trước khi Chúa Jesus giáng sinh.
Trong số các món đồ chế tác có những đôi khuyên tai hình quả chuông bằng vàng, đĩa vàng, thẻ bài, chuỗi hạt và vòng cổ gắn đá quý.
Ngoài số lượng lớn hiện vật quý giá, các nhà nghiên cứu còn vô cùng ngạc nhiên trước sự tinh xảo của những món đồ trang sức này, đặc biệt là các họa tiết bằng vàng trang trí quần áo, chúng đã hé lộ trình độ sản xuất trang sức xuất sắc của người thời đó.
Danial Akhmetov, tỉnh trưởng tỉnh East-Kazakhstan cho biết: “Phát hiện này đã mang lại cho chúng ta một góc nhìn hoàn toàn khác về lịch sử loài người. Người cổ đại rõ ràng đã sở hữu những kỹ năng tiên tiến trong khai khoáng, trích ly kim loại quý, mua bán và chế tác trang sức”.
Ông khẳng định: “Chúng ta chỉ đơn thuần là người kế tục của những con người vĩ đại và công nghệ tuyệt vời ấy”.
Các báo cáo đưa ra giả thuyết rằng những vòng đeo cổ bằng vàng thiết kế để đeo kèm trang phục đã được chế tạo bằng công nghệ hàn siêu tinh vi.
Điều này cho thấy lúc bấy giờ họ đã sở hữu kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực luyện kim và trình độ vượt trội ở kỹ năng chế tạo trang sức. Những đặc điểm này chỉ có ở một nền văn minh tiên tiến.
Theo các nhà nghiên cứu, nền “văn minh thảo nguyên” của người Saka đã phát triển rất hưng thịnh, không giống như những gì các nhà khoa học nghĩ trước đây.
Các chuyên gia đang phục hồi kho tàng khổng lồ này, và họ vẫn chưa thể tìm ra chủ nhân thật sự của chúng. Tuy nhiên, họ tin rằng không bao lâu nữa, những đợt khai quật tiếp theo sẽ tiết lộ người sở hữu những báu vật này.
Zainolla Samashev, phụ trách khai quật cho biết: “Lượng lớn đồ vật quý giá trong khu mộ khiến chúng tôi tin rằng có một người đàn ông và phụ nữ được chôn cất ở đây. Họ có thể là thành viên hoàng tộc hoặc thuộc tầng lớp cao cấp trong xã hội của người Saka”.
Ở khu vực tìm thấy kho báu là cao nguyên Eleke Sazy có khoảng 200 khu mộ như vậy, đáng tiếc là nhiều khu mộ đã bị cướp phá vào thời cổ đại.
Bao quanh cao nguyên này là những đồng cỏ trù phú được vua Saka xem như thiên đường. Người Saka là một nhánh của người Scythia, nền văn minh du mục phát triển ở Trung Á và vươn rộng tới tận Siberia. Họ nói ngôn ngữ có liên hệ với tiếng Iran.
Video: Kho báu vô giá 2.800 năm tuổi được tìm thấy ở Kazakhstan
>>> Bảo tàng lâu đời nhất thế giới thuộc về người Babylon
>>> Bí ẩn tàn tích Marcahuasi: Một nền văn minh tiến bộ bị thất lạc trong thời gian dài?
Hồng Liên, theo Ancient Code