Robot có đủ nội tạng, biết múa hát như người thật thời nhà Chu
Nhắc đến robot, chúng ta thường nghĩ chỉ là sản phẩm của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên vào thời nhà Chu cách đây hơn 3.000 năm, có một nghệ nhân đã chế tạo một hình nhân kích thước như người thật có thể ca hát, nhảy múa, còn có các cơ quan nội tạng, xương khớp, da tóc y hệt như người để dâng lên nhà vua.
Từ thế kỷ thứ nhất TCN đến thế kỷ 15, Trung Quốc đã giữ vị trí dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Làm giấy, in ấn, thuốc súng và la bàn là những phát minh nổi tiếng nhất của Trung Quốc thời đó. Nghề thủ công và máy móc của Trung Quốc cũng rất tiên tiến.
Ở thời Tây Chu (1046-771 TCN), có một nghệ nhân cơ khí chế tạo ra một hình nhân có thể ca hát và nhảy múa, kích thước giống như thật dâng lên nhà vua. Robot nghệ sĩ này còn có các cơ quan nội tạng của người, có xương, cơ bắp, khớp, da, răng và tóc y hệt như người.
Kinh thư cổ điển của Đạo giáo là “Liệt tử”, ở thiên “Thang Vấn” liệt kê nhiều ghi chép từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5 TCN. Trong đó kể về câu chuyện của nghệ nhân tên Nhan Thị (Yanshi), ông đã được diện kiến Chu Mục vương của nhà Chu.
Chu Mục vương hỏi: “Ai ở bên cạnh ngươi vậy?” Nhan Thị trả lời: “Thần đã tạo ra nó để ca hát và nhảy múa”. Nhà vua thấy rất có hứng thú với con robot. Kể từ khi âm nhạc vang lên, robot ca hát và nhảy múa, nhà vua quan sát hết sức cẩn thận. Giọng ca và những đường nét vũ điệu của nó uyển chuyển thay đổi, hòa hợp theo nhịp điệu một cách tinh tế. Nhà vua sinh nghi, không biết liệu đây có phải là người thật hay không. Ngài bèn gọi các phi tần đến cùng xem biểu diễn.
Khi âm nhạc chìm dần, con robot chuyển sang trêu ghẹo các phi tần, chọc tức nhà vua. Thấy vậy, Nhan Thị lập tức tháo rời con robot ngay trước mặt vua. Khi đó, vua trông thấy cơ thể nó được làm từ da, gỗ, keo, sơn mài, còn có vài thứ khác màu đen, trắng, đỏ và xanh lá cây. Nhìn kỹ hơn, vua phát hiện ra những thứ nhiều màu sắc đó là nội tạng của nó, có gan, túi mật, tim, phổi, thận, lá lách, dạ dày và ruột, rồi còn có cả cơ bắp, xương, khớp, răng và tóc. Chúng đều là nhân tạo, nhưng trông rất sinh động. Sau khi được lắp ráp trở lại, con robot lại nhảy múa và ca hát như trước.
Nhà vua vô cùng kinh ngạc. Ngài thử lấy đi trái tim của robot, thấy rằng miệng nó không thể nói được nữa. Ngài lấy đi lá gan thì đôi mắt không còn nhìn được; lấy đi thận thì chân không còn sức vận động. Nhà vua reo lên phấn khích: “Nghề thủ công này quả thực tuyệt diệu!”. Sau khi lắp ráp robot trở lại, Chu Mục Vương lệnh cho Nhan Thị đi cùng ngài đến Trung Nguyên (khu vực trên hạ lưu của sông Hoàng Hà).
Theo học thuyết truyền thống Trung Hoa, ngũ hành đại diện cho tất cả các quá trình sinh lý, tinh thần, tình cảm và tâm linh ở người. Chẳng hạn, hỏa” (màu đỏ) kết nối với tim và miệng. Hành “mộc” (xanh lá cây) thì kết nối với gan, túi mật, và mắt. Hành “thủy” (màu xanh dương) kết nối với thận và các chức năng vận động… Nhan Thị đã dựa trên tri thức truyền thống về con người và vũ trụ của Trung Hoa để tạo ra con robot nghệ sĩ này.
Câu chuyện này cho thấy vào thời cổ đại, con người đã nghĩ đến việc chế tác ra những cỗ máy thay thế họ trong các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, thậm chí phương pháp chế tạo của họ còn cho ra kết quả không ngờ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại trình độ khoa học và tư duy về máy móc của người xưa.
Xuân Nhạn, theo Vision Times