Rác vũ trụ ngày càng nguy hiểm
Vụ rác vũ trụ phá hoại vệ tinh Nga vừa qua đã gióng lên một hồi chuông báo động: không gian cận trái đất đang ngày càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Kết cục thảm hại của một vệ tinh nhỏ của Nga là minh chứng rõ ràng nhất về
mối đe dọa của rác vũ trụ đối với hoạt động ở phần quỹ đạo thấp của trái đất.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, các chuyên gia nước này vừa phát hiện tiểu vệ tinh
có tên Ball Lens In The Space đã bị hủy hoại do va trúng một mẩu rác nhỏ thải ra
từ vụ bắn hạ vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc.
Có thể nói “nghĩa địa rác” bao quanh quỹ đạo trái đất ngày càng dày đặc hơn.
NASA ước tính những mẩu lớn hơn hòn bi phải trên 500.000, trong khi mẩu lớn hơn
banh cricket vào khoảng 22.000. Chúng di chuyển với tốc độ khoảng 28.163 km/giờ,
và với vận tốc này thì hòn bi cũng có thể biến thành đạn đại bác, đủ hạ gục các
vệ tinh và trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với các phi hành gia. Khoảng 70%
rác vũ trụ được xếp loại đang lơ lửng ở quỹ đạo thấp của trái đất, tức vùng
không gian từ bề mặt đến độ cao 2.000 km. Để quan sát được trái đất, các tàu
không gian và vệ tinh cũng phải được đặt ở vị trí thấp như vậy. Chỉ cần nâng
thêm độ cao là các thiết bị của chúng không thể thu thập được dữ liệu chi tiết
như bình thường.
Vụ va chạm mới nhất giữa rác với vệ tinh diễn ra cách đây 6 tuần, vào ngày
22.1, và cũng là trường hợp gần đây nhất cho thấy rác vũ trụ đủ sức tiêu diệt
công nghệ của con người trên không gian. Brian Weeden, nhà tư vấn công nghệ của
Tổ chức An ninh thế giới với mục tiêu sử dụng an toàn công nghệ không gian, cho
hay những vụ va chạm như vậy đã xảy ra quá nhiều. “Nhiều vệ tinh ở quỹ đạo thấp
của trái đất đang ở trong chế độ điều chỉnh bằng tay theo chu kỳ để tránh thành
mục tiêu bất đắc dĩ của rác vũ trụ”, Space.com dẫn lời chuyên gia Weeden. Theo
ông, vụ rác tấn công vệ tinh trên chỉ góp phần bác bỏ tư duy lâu nay rằng “bầu
trời” đủ rộng để chứa mọi vật. Trên thực tế, rác vũ trụ đã bị liệt vào một trong
những sát thủ nguy hiểm nhất đối với các vệ tinh di chuyển ở quỹ đạo thấp của
địa cầu.
Trong một báo cáo vào năm 2009, chuyên gia David Wright nêu 3 trường hợp nghi
ngờ đã có sự va chạm giữa vệ tinh và rác vào những năm 1996, 2007 và 2009. Tiến
sĩ Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh toàn cầu cho biết: “Do số lượng
lớn của các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo (hơn 900 vào năm 2009) và sự
hiện diện đông đảo của rác vũ trụ, chúng tôi ước tính va chạm giữa mẩu rác lớn
hơn 1 cm với vệ tinh tại quỹ đạo thấp của trái đất có thể xảy ra trung bình từ 2
– 3 năm/vụ trong thập niên tới. Trước đó, xác suất này dao động từ 5 – 6 năm mới
xảy ra một lần”.
Một trong những sự kiện làm quỹ đạo thêm ngập rác chính là vụ bắn thử vệ tinh
do Trung Quốc triển khai vào năm 2007. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đã dùng tên
lửa phá hủy vệ tinh thời tiết ở độ cao trên 800 km trong một cuộc phô diễn khả
năng quân sự, và kết quả là khoảng 3.000 mảnh rác đã được gộp vào bãi rác trên
quỹ đạo. Trang Wikileaks đã công bố thư tín ngoại giao bị rò rỉ cho thấy Mỹ đã
cảnh cáo Trung Quốc chớ có manh động kho vũ khí không gian của mình, nếu không
muốn bị hứng đòn đáp trả từ Lầu Năm Góc. Sau đó, có tin Mỹ thậm chí bắn hạ một
trong những vệ tinh của mình để dằn mặt Trung Quốc.
Don Kessler, cựu Giám đốc Văn phòng Rác quỹ đạo của NASA cho hay rác vũ trụ
vẫn là một vấn đề có thể xử lý được, trong thời điểm này, do các nhà hoạt động
vệ tinh vẫn đủ khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ phi thuyền.
Tuy nhiên, nguy cơ va chạm đang tăng dần, và nếu thế giới không sớm định ra luật
lệ về rác thải vũ trụ, tổn thất trong tương lai là không thể đoán trước.