Vì sao lại có câu nói: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn?
Thành ngữ có câu: “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”, để ám chỉ rằng lòng tham chính là thứ độc dược nguy hại nhất. Câu nói này rất thường được sử dụng, nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc của nó.
Trong văn hóa truyền thống mấy ngàn năm của nhân loại, truyền lưu rất nhiều những thành ngữ, ngạn ngữ vốn là những lời cảnh tỉnh, giáo huấn của cổ nhân cho người đời sau.
Nhưng thuận theo sự trượt dốc của đạo đức xã hội, hay vì những mưu đồ cho cá nhân, có rất nhiều câu thành ngữ đã bị bóp méo. Ví dụ như, “Vô độ bất trượng phu”, ý rằng người vô độ, buông thả, không có chừng mực thì không phải bậc trượng phu, bị bóp méo thành “Vô độc bất trượng phu”, không độc thì không phải trượng phu; hay “Ma cao một thước, Đạo cao một trượng” bị bóp méo thành “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”.
Có một số câu tuy rằng mặt chữ không bị cải biến nhưng bổn ý của cổ nhân thì đã bị bẻ cong, đi ngược lại với ước nguyện ban đầu khi truyền lưu những câu thành ngữ này. Ví dụ như, “Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong”, rất nhiều người không biết nguồn gốc của câu nói này.
Thậm chí có người còn cho rằng, câu thành ngữ là cổ nhân đề xướng hậu nhân phải xem đây là tiêu chuẩn sinh tồn, cứ thế nó trở thành lời răn của không ít người. Bởi vậy, việc quay lại lịch sử tìm hiểu lại chân tướng, trở về với những giá trị thực sự của văn hóa truyền thống là điều vô cùng quan trọng.
“Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong” (người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn) có nguồn gốc từ câu chuyện sau:
Vào thời cổ đại, trong thôn làng nằm bên cạnh bờ sông có một tên vô lại là A Tam. Anh ta hết ăn lại nằm, luôn muốn “không phải làm mà được hưởng thụ”. Anh ta đến khắp nơi tìm kiếm xem có chỗ nào có thể không cần làm mà được phát tài, giàu có.
Vừa hay, ở nơi A Tam sinh sống cũng có một con chim to lớn, rất tham lam và cũng rất hung ác. Mỗi ngày nó đều ăn thịt những con dê mà người dân trong vùng nuôi. Thời gian lâu sau, những người dân trong vùng vì thế mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Bắt đầu từ đó, đồ ăn đối với con chim trở thành một vấn đề lớn.
Một hôm, A Tam nằm trong sân vừa phơi nắng vừa mộng tưởng được giàu có thì con chim từ trên trời sà xuống. A Tam sợ hãi vội vã trốn vào trong nhà. Con chim nói với A Tam: “Chẳng phải ngươi muốn giàu có sao? Ta có thể giúp được ngươi!”.
A Tam vừa nghe thấy từ “giàu có” thì lập tức quên hết sợ hãi, từ trong phòng ló đầu ra hỏi: “Làm thế nào để được giàu có?”
Con chim trả lời: “Ở sâu trong biển Đông có một hòn đảo nhỏ, khắp cả hòn đảo nhỏ này đều là vàng. Ta sẽ đưa ngươi đến đảo để nhặt vàng. Sau khi trở về, ngươi trả cho ta mỗi ngày một con dê là được!”
A Tam suy ngẫm thấy vụ thương lượng này có lợi cho mình liền gật đầu đồng ý. Con chim to nói bổ sung thêm: “Nhưng trước khi trời sáng chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi đảo. Nếu không, chúng ta sẽ bị ánh sáng mặt trời cao ngàn trượng thiêu cháy”.
A Tam không chờ đợi thêm được nữa. Anh ta sốt ruột nói: “Biết rồi! Biết rồi!”
Con chim liền cõng A Tam trên lưng, bay qua núi cao, lướt qua biển rộng, cuối cùng cũng đến được hòn đảo nhỏ ấy. A Tam mở to mắt nhìn, chỉ thấy trải dài trên hòn đảo đều là vàng óng ánh. Anh ta bắt đầu nhặt một cách vội vã. Anh ta một mực tập trung nhặt vàng và không còn nhớ đến lời cảnh báo của con chim “phải rời khỏi đảo trước khi mặt trời mọc”.
Chẳng mấy chốc trời đã sáng. Con chim to liên tục thúc giục A Tam mau rời khỏi đảo, nhưng anh ta luôn miệng nói: “Chờ một chút!”. Cuối cùng, con chim thấy tình hình không ổn, nó liền bỏ lại A Tam mà bay lên không trung. Ngay tại thời khắc ấy, mặt trời nhô lên, A Tam vì mải nhặt vàng đã bị lửa thiêu cháy.
Con chim to càng nghĩ càng tức giận. Nó nghĩ mình đã cõng A Tam đi xa như vậy, kết quả lại không được thứ gì cả. Nó càng nghĩ càng bực mình, dê cũng không được ăn mà ngay cả thi thể A Tam cũng không được miếng nào. Cuối cùng nó quyết định bay trở lại hòn đảo, lấy A Tam làm bữa tiệc lớn. Nhưng nó chỉ mải ăn mà quên mất thời gian. Mặt trời lại một lần nữa mọc lên và con chim tham lam ấy cuối cùng cũng phải chịu kết cục giống như A Tam.
Người có đạo đức cao xưa nay đều tuân thủ nguyên tắc: “Vô công bất thụ lộc”, tức là không có công, không nhận lộc; hay “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý. Từ xưa đến nay, trong mọi tầng lớp xã hội, trình độ học vấn khác nhau, gia cảnh khác nhau đều có những người giữ đúng nguyên tắc này. Bởi vì họ không cầu gì ngoài việc giữ tâm mình được thanh thản, bình yên, không tham lam, ham muốn lợi ích vô độ.
Người xưa vẫn cho rằng, làm chuyện thất đức, dù không ai biết thì vẫn còn có Trời biết, Đất biết, bản thân mình biết. Hay nói cách khác, mình có thể lừa mình, nhưng không lừa được Thần linh, Thượng đế.
Suy ngẫm một chút về xã hội ngày nay, chẳng phải cũng có rất nhiều người “không muốn trả giá” nhưng lại tham lam, mong muốn giàu có, tìm mọi cách để được hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ sao? Cuối cùng, họ đã bị lòng tham làm mê mờ và kết cục mà họ nhận được chẳng phải cũng giống A Tam và con chim tham lam kia vậy!
Theo Trithucvn