Luật trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông có được thông qua dưới thời Tổng thống Trump?
Một nhà lập pháp Hoa Kỳ đề xuất dự luật trừng phạt các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Diplomat.
Đầu tuần này, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio (cánh hữu, bang Florida) đã giới thiệu một dự luật tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong đó đề xuất Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc đối với các hoạt động của họ tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Với tên gọi “Đạo luật Xử phạt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2016”, dự luật này đề xuất kế hoạch xử phạt các cá nhân Trung Quốc và các tổ chức “tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông”, theo một thông cáo từ văn phòng của ông Rubio.
“Những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ, với các tác động mà chúng ta ở đây (tại Hoa Kỳ) cũng có thể nhận thấy, như các cảng biển của Florida và nền kinh tế vận tải hàng hóa của bang chúng tôi”, ông Rubio cho biết. “An ninh của các đồng minh của chúng ta trong khu vực và các hoạt động kinh tế của chúng ta không thể bị đe dọa bởi những vi phạm trắng trợn, liên tục của Bắc Kinh đối với các chuẩn mực quốc tế khi họ theo đuổi tham vọng thống trị ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Theo Diplomat, dự luật này sẽ đại diện cho một sự thay đổi đầy tham vọng trong chính sách của Hoa Kỳ. Nếu được ban hành, đạo luật này sẽ buộc tổng thống Hoa Kỳ tiến hành một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và các tổ chức Trung Quốc có hoạt động gây hấn trên Biển Đông, đồng thời cũng xử phạt các tổ chức tài chính có giao dịch với các đối tượng đó.
Đề xuất của ông Rubio cũng bao hàm các thay đổi quan trọng đối với chính sách của Mỹ, chẳng hạn như hạn chế viện trợ nước ngoài cho các quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Diplomat cho rằng nếu quy định này được ban hành, đây sẽ là một sự thay đổi to lớn về chính sách của Hoa Kỳ đối với các vùng biển tranh chấp. Chính quyền của tổng thống Obama vốn chỉ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông, và mở rộng hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển như Việt Nam, Philippines, theo Diplomat.
Điều thú vị là, đề xuất của thượng nghị sỹ Rubio có thể biến các biện pháp trừng phạt trở thành công cụ cưỡng chế cho phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) mà Trung Quốc không chấp nhận tuân thủ.
Theo Diplomat, hiện chưa rõ dự luật này là một thông điệp đe dọa hay là một cố gắng nghiêm túc nhằm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ được khởi xướng từ Thượng viện.
Tạp chí này cho rằng với những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump khả năng còn theo đuổi đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thì đề xuất này chắc chắn có cơ hội trở thành chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Rubio không phải là nhà lập pháp đầu tiên muốn thông qua dự luật liên quan đến Biển Đông. Đầu năm nay, ông Mike Pompeo, một nghị sỹ Đảng Cộng hòa Kansas và là người ông Trump chọn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, đã đề xuất một nghị quyết công nhận tính ràng buộc của phán quyết ngày 12/7 và phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Daikynguyenvn.com