Chỉ vì một tâm xấu này, khiến cả 10 người con đều mắc chứng bệnh kỳ quái
Tưởng Viện có 10 người con trai thì cả 10 đều không được lành lặn, mỗi người đều mắc một chứng bệnh kỳ quái khác nhau. Truy tìm nguyên do, ông mới nhận ra ông bị dính mắc một cái tâm vô cùng xấu. Loại tâm nào mà có thể gây tai họa đến như vậy? Câu chuyện xưa này thực sự là một gậy cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.
Cha mẹ yêu thương con cái là thiên tính, từ xưa đến nay đều là như vậy. Mỗi một đứa con bé nhỏ chính là một bảo bối của cha mẹ, từ thời khắc được sinh ra đời, đều không ngừng hy vọng con được khỏe mạnh bình an, thông minh nên người, làm rạng rỡ tổ tông, thăng quan tiến chức; hay ít ra thì cũng không bệnh tật ốm đau, cả đời thuận lợi.
Nhưng mà thời cổ đại có một gia đình, đến cả 10 đứa con trai, lại không có một người nào được lành lặn, không khỏi khiến người ta phải thương cảm, thắc mắc với ông trời: là nguyên cớ vì sao?
10 đứa con trai bị bệnh khác nhau là do tâm tật đố gây ra
Thời Xuân Thu chiến quốc, Tống quốc có một vị đại phu (tên chức quan), tên là Tưởng Viện, ông có 10 người con trai, nhưng không may là không có một người con nào kiện toàn khỏe mạnh. Trong đó có một người lưng còng, một người bị thọt chân, một người tứ chi co rút, một người hai chân bị tàn tật, một người bị điên, một người ngớ ngẩn, một người bị điếc, một người bị mù, một người câm, còn một người phạm tội bị giam cầm, về sau chết trong nhà ngục. Loại này chính là “cả 10 đứa con dị tật”, thật sự là rất hiếm thấy!
Có người bạn là Tử Cao sau khi gặp mặt chứng kiến cảnh này, liền quan tâm hỏi han Tưởng Viện: “Đại phu bình thường có phạm phải điều gì đâu, mà trong nhà lại phát sinh tai họa không ngờ như vậy chứ! 10 đứa con đều dị tật mỗi người một vẻ khác nhau”.
Tưởng Viện nghĩ trước nghĩ sau, mãi vẫn không tìm ra được nguyên do, cuối cùng đành phải trả lời thật rằng:
“Ta bình sinh cũng không làm điều gì thương thiên hại lí, chuyện gì quá xấu xa. Chẳng qua trong lòng thường hay ganh tị với người khác. Thấy người tài giỏi, ta sẽ thù ghét tài ba của hắn; đối với người nào xu nịnh ta, trong lòng ta mới thích hắn; nếu nghe nói có ai đó làm việc thiện, ta đều không tin, nghi ngờ hắn ta là giả nhân giả nghĩa; còn nghe người khác làm điều ác thất đức, ta liền tin ngay không chút ngờ vực; nhìn thấy người khác có được chút ưu đãi gì đó, thì giống như chính mình mất đi vậy; còn nếu người khác bị tổn thất, thì lại cảm thấy vui như chính mình được ưu ái vậy.
Đây là thái độ đối nhân xử thế của ta, chỉ vì như thế mà thôi”.
Hoàn toàn tỉnh ngộ, tu bỏ tâm tật đố
Tử Cao sau khi nghe, cảm thán nói:
“Đại phu, ngài có tâm bất chính như vậy, tâm tật đố ghen ghét nặng như vậy, thật là nguy, chỉ sợ sắp sửa có tai họa diệt vong! Ngài tuy vẫn cảm thấy yên ổn không sao cả, lại không thể biết được tính nghiêm trọng của chuyện này. 10 đứa con trai của ngài mắc bệnh kỳ quái, chỉ e là tai họa không chỉ dừng lại như vậy đâu! Cổ nhân đều biết rõ đạo lý nhân quả báo ứng, tâm đố kỵ là ác tâm rất lớn, tất sẽ bị trời trừng phạt”.
Tưởng viện nghe xong thì vô cùng hoảng sợ, trong lòng thập phần sợ hãi, nhưng không biết nên làm thế nào cho phải. Tử Cao thấy ông có vẻ hối cải muốn thay đổi, bèn khuyến khích:
“Trời mặc dù cao xa, nhưng cũng có thể nhìn thấu mọi việc, nếu ngài ngay trong ngày hôm nay có thể thật lòng sám hối, bỏ đi tâm đố kỵ với người khác, thành tâm hướng thiện, nhất định sẽ chuyển họa thành phúc. Nay sớm sửa ngay hành vi của mình, thì may ra còn kịp!”.
Tử Cao một phen khuyên nhủ thật lòng khiến Tưởng Viện hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó về sau, tu bỏ thói xấu ghen tức tật đố với người khác, tiến cử hiền tài, tích đức hành thiện, không đến vài năm sau, bệnh tật của các con, không chữa mà dần dần khỏi hẳn.
Sửa sai, dời họa thành phúc báo
Trong “Thái thượng cảm ứng thiên” có câu rằng “kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc, kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất”. Tức làm người phải giữ mình mà xử thế, cần phải có khoan dung ở trong tâm; thấy người gặp việc đắc ý, thì nên sinh tâm vui mừng; thấy người gặp việc thất ý, thì nên sinh tâm cảm thông. Tưởng Viện lại hoàn toàn làm ngược lại, vậy nên mới rước tai họa lớn như thế.
Tâm tật đố là một loại tâm rất không tốt, nó là xuất ra từ người ích kỷ, lòng dạ hẹp hòi, thấy người khác thành công thì cảm thấy chính mình tức giận bất bình. Tuy rằng thoạt nhìn thì tựa hồ người khác không nhìn thấy oán khí trong lòng, không ảnh hưởng tới toàn cục, nhưng nếu cứ để cái thói xấu này “hoành hành”, tâm thuật bất chính, rất nhanh sẽ sa đọa, không tiếc lời chửi bới người khác, làm chuyện thương thiên hại lí, không chỉ bản thân mình tạo nghiệp, mà còn liên lụy đến đời sau.
Đối với người tu luyện mà nói, tâm tật đố càng là một trở ngại vô cùng lớn, nếu ngay cả một chút “thiện tâm” cũng không có, thì đừng nghĩ đến những thành công xa vời trong tu luyện.
May mắn chính là, “ông trời có đức hiếu sinh”, Tưởng Viện sau khi hạ tâm hối cãi, sửa sai hướng thiện, đã có thể chuyển họa thành phúc, chuyện này đã đủ để cảnh tỉnh người đời!
(Theo “Thiên thiện lục”)
Bảo An (Theo NTDTV)