Iran: Hồ nước mặn lớn nhất thế giới đột ngột chuyển màu đỏ như máu
Ảnh vệ tinh hôm 9/7 cho thấy hồ Irmia ở Iran, một trong những hồ nước mặn lớn nhất thế giới, bình thường có màu xanh lục đột nhiên chuyển sang màu đỏ thẫm như máu.
Mysterious Universe cho biết, hình ảnh thu được từ về tinh cho thấy hồi tháng 4, nước hồ vẫn mang màu xanh lục nhưng đến tháng 7, hồ đã chuyển màu đỏ thẫm như máu.
Tảo có thể là nguyên nhân khiến nước hồ đổi màu. Theo Trạm quan sát Trái Đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), rất khó để xác định loại tảo nào khiến nước hồ chuyển màu đỏ.
Tảo Dunaliella salina thường là thủ phạm vì tế bào tảo sản xuất carotenoids để bảo vệ chúng khỏi ánh nắng Mặt Trời và muối khiến chúng chuyển sang màu đỏ. Một khả năng khác là vi khuẩn halobacteriaceae có màu đỏ như hồng ngọc và thích ăn muối.
Diện tích hồ Irmia đang nhanh chóng bị thu hẹp, có thể do muối kết tinh. Khoảng 60 sông suối đổ vào hồ, mang muối vào nhưng lại không có sông nào chảy ra mang muối đi. Theo thời gian, muối kết tinh quanh vành hồ khiến diện tích hồ thu hẹp.
Nhà khoa học Mohammad Tourian ở Đại học Stuttgart (Đức) cho biết, ảnh vệ tinh cho thấy diện tích hồ đang giảm ở mức báo động 220 km2 mỗi năm. Trong 14 năm qua, hồ đã mất 70% diện tích bề mặt, khiến nước hồ ngày càng mặn hơn.
Hồ này đã từng chuyển màu vài lần, nó chuyển sang màu xanh khi có mưa và tuyết tan, làm giảm độ mặn của muối. Tuy nhiên, với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, cùng việc xây đập và bắc cầu trên những con sông đưa nước vào hồ như hiện nay, Irmia có thể không bao giờ xanh trở lại.
Theo VNExpress