Trái Đất có thể sắp trải qua thời kỳ ‘tiểu băng hà’
Mức độ hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm 60% trong những năm 2030 có thể sẽ khiến Trái Đất rơi vào một “thời kỳ tiểu băng hà.”
Theo Science Daily, giáo sư Valentina Zharkova đưa ra một mô hình mới dự đoán chính xác những dấu hiệu bất thường trong chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời tại Hội nghị Thiên văn học quốc gia ở Llandudno, miền bắc xứ Wales, Anh, hôm 9/7.
Mô hình hoạt động dựa trên hiệu ứng dynamo trong hai lớp của ngôi sao này, một lớp nằm ở gần bề mặt và lớp còn lại nằm ở sâu bên trong vùng đối lưu. Dự đoán từ mô hình cho thấy, mức độ hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm 60% trong những năm 2030, xuống mức tương đương như Trái Đất từng chứng kiến trong thời kì “tiểu băng hà” bắt đầu vào năm 1645.
Đây là dấu mốc 172 năm kể từ khi một nhà khoa học lần đầu phát hiện hoạt động của Mặt Trời thay đổi theo chu kỳ kéo dài khoảng 10-12 năm. Mỗi chu kỳ có một chút khác nhau và chưa có mô hình nào tính đến nay có thể giải thích đầy đủ những biến động. Nhiều nhà vật lý cho rằng, nguyên nhân tạo ra chu kỳ trên là do một “máy phát điện” hình thành nhờ quá trình đối lưu chất lỏng, diễn ra ở sâu bên trong Mặt Trời. Hiện tại, Zharkova và cộng sự đã tìm thấy “máy phát điện thứ hai” nằm gần bề mặt Mặt Trời.
“Chúng tôi phát hiện sóng từ xuất hiện theo cặp, chúng có nguồn gốc ở hai lớp khác nhau bên trong Mặt Trời. Cả hai đều có tần số khoảng 11 năm. Trong chu kỳ, các sóng dao động giữa bán cầu bắc và bán cầu nam của Mặt Trời. Kết hợp cả hai sóng với nhau và so sánh với số liệu thực tế trong chu kỳ Mặt Trời hiện tại, chúng tôi thấy rằng dự đoán của chúng tôi có độ chính xác là 97%,” Zharkova nói.
Zharkova và đồng nghiệp của cô xây dựng mô hình dựa trên kỹ thuật gọi là “phân tích thành phần chính” đối với những quan sát từ trường ở Đài quan sát Solar Wilcox, California,Mỹ. Họ kiểm tra hoạt động từ trường trong ba chu kỳ Mặt Trời, giai đoạn 1976-2008. Ngoài ra, họ cũng so sánh dự đoán với số lượng vết đen Mặt Trời trung bình. Tất cả dự đoán và quan sát được kết hợp chặt chẽ với nhau.
Trong chu kỳ Mặt Trời 25, vào những năm 2020-2030, mô hình dự đoán cặp sóng từ ngày càng trở nên tương tác mạnh mẽ hoặc cộng hưởng với nhau, khiến Mặt Trời hoạt động mạnh hơn, mà đỉnh điểm là vào năm 2022. Trong chu kỳ 26, diễn ra vào thập niên 2030-2040, hai sóng trên sẽ thoát khỏi đồng bộ, gây ra một sự suy giảm đáng kể hoạt động của Mặt Trời.
“Trong chu kỳ 26, hai sóng giống hệt nhau, đạt đỉnh cùng một lúc nhưng ở hai bán cầu Mặt Trời trái ngược nhau. Sự tương tác của chúng sẽ phá vỡ, hoặc gần như triệt tiêu lẫn nhau. Chúng tôi dự đoán rằng, quá trình này sẽ dẫn đến Maunder Minimum (một trong những lần Mặt Trời suy giảm hoạt động mạnh nhất trong thế kỷ 17, khiến mùa đông lạnh giá bao trùm khắp châu Âu),” Zharkova nói.
Theo VnExpress