Apple có thể mua lại Hy Lạp?
Hãng công nghệ của Mỹ đang có quá nhiều tiền mặt, trong khi các ngân hàng Hy Lạp đã gần cạn tiền, vậy thì…..
Ý tưởng điên rồ này bắt đầu tư một câu nói đùa trong một hội nghị dành cho nhà đầu tư của Apple vài năm trước đây. Một khách mời nêu lên ý tưởng rằng Apple nên dùng khối tiền mặt 194 tỷ USD của mình để cứu trợ Hy Lạp.
CEO Tim Cook khi đó không cảm thấy thuyết phục. Ông nói Apple có nhiều mục tiêu để theo đuổi, và mua một quốc gia không nằm trong số đó.
Nhưng Leonid Bershidsky của Bloomberg lại nghĩ khác, ông cho rằng Tim Cook vừa bỏ qua một món hời.
Tuần này, Hy Lạp đã phải dùng mọi phương sách để có thể xoay sở được số tiền lãi 750 triệu Euro trả cho IMF. Thị trưởng thành phố Thessaloniki cho biết ông đã được yêu cầu phải giao nộp lại ngân quỹ của thành phố, cùng lúc đó các quỹ hưu trí và bệnh viện phải chịu tình trạng chậm trễ trong thanh toán. Chính phủ Hy lạp được cảnh báo sẽ hết sạch tiền trong một vài tuần tới.
Châu Âu vẫn giữ lập trường cứng rắn, yêu cầu các cải cách về hưu trí và cắt giảm chi tiêu. Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết, EU không thể đảm bảo thu được đồng lãi nào trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, khối tiền mặt 194 tỷ USD của Apple vẫn tiếp tục tăng lên. Công ty đã rút khỏi các dự án tốn kém như khám phá không gian, hay sản xuất xe hơi để tập trung vào cải thiện những sản phẩm hiện có như đồng hồ, kho nhạc iTunes.
Bershidsky đã tính toán và kết luận 5 ông lớn Apple, Microsoft, Google, Pfizer và Ciscocó tổng cộng 429 tỷ USD tiền mặt. Hầu hết số tiền này được giữ ở bên ngoài nước Mỹ để tránh mức thuế 35% ở Mỹ.
Nếu một nửa số tiền trên được dùng để cứu trợ Hy Lạp, điều này sẽ cắt giảm khoản nợ của Hy Lạp xuống mức 70% GDP, mức mà Bershidsky cho là hoàn toàn kiểm soát được.
Đổi lại, Hy Lạp có thể dành cho 5 ông lớn công nghệ một thỏa thuận rất “dễ chịu” về thuế. Đây là dạng thỏa thuận đã được Apple áp dụng với Ireland, nơi công ty chỉ phải trả mức thuế suất 2% bất chấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Ireland là 12,5%.
Bershidsky cũng cho rằng khối EU có thể sẽ thích thú với thỏa thuận kiểu này dành cho Hy Lạp, đơn giản vì EU không muốn Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ.
Hy Lạp sau đó có thể trở thành nơi đặt trụ sở của Apple, Microsoft, Google, Pfizer và Cisco, giúp phát triển ngành công nghệ và tạo ra vô số việc làm ở đất nước này.
“Nếu đưa ra trưng cầu dân ý, tôi chắc là phi vụ cứu trợ này sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân Hy Lạp”, Bershidsky nói.
Theo Trí Thức Trẻ