9 lời dạy của cổ nhân, ngàn năm sau vẫn còn nguyên giá trị
Đời người là hữu hạn, nhưng lòng tham của con người lại vô hạn. Phải làm sao để có được một cuộc sống thảnh thơi, yên bình giữa cuộc đời bon chen, xô bồ này? Những lời dạy của cổ nhân sẽ cho ta gợi ý…
Trang Tử (365–290 TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Trang Tử cao minh mà rất giản dị, sống hoà hợp với tự nhiên. Ông luôn chủ trương sống ẩn dật mà khoáng đạt, thuận theo vũ trụ, xa lánh thế tục.
Vị hiền triết nổi tiếng của phương Đông này từng đưa ra những lời khuyên vô cùng tâm huyết, khiến cho người đời không khỏi thán phục. Cho đến nay, dù đã hàng nghìn năm trôi qua, những lời nói đầy triết lý của Trang Tử vẫn còn nguyên giá trị như thuở xa xưa.
1. Con người sống giữa đất trời, cũng giống như bóng câu qua cửa sổ, chớp mắt một cái đã xong rồi!
Danh lợi chỉ là những thứ phù phiếm mà chúng ta phải dồn bao tâm sức mới giành được. Thế nhưng, đời người ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng mấy chục năm thôi, có khác nào một giấc mơ đâu.
Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách trân trọng những thứ đáng quý, buông bỏ những tranh chấp vô nghĩa, quên hết bao phiền muộn sầu lo để được sống một cuộc đời thảnh thơi, vui vẻ.
2. Đời ta thì hữu hạn, mà tri thức thì vô hạn. Lấy cái hữu hạn mà theo đuổi cái vô hạn thì thật mệt mỏi!
Sinh mệnh con người là hữu hạn, nhưng tri thức, biển học này thì vô cùng. Nhưng con người lại rất ham theo đuổi tri thức. Người ta khát tri thức cũng giống như khát nước vậy, thậm chí còn hơn thế.
Đối với một vùng đất mà nói, nước ít thì khô hạn nứt nẻ, mà nước nhiều quá thì thành tai họa. Do đó, truy cầu đối với tri thức cũng như vậy, phải vừa mức thích hợp nếu không muốn bị chính biển tri thức kia nhấn chìm.
3. Người thế tục đều thích người ta giống mình, mà ghét người ta khác mình
Ai cũng thích ý kiến của mình được người khác tán đồng mà ghét việc bị phản đối. Thuốc tốt thì đắng nhưng khỏi bệnh, lời thật dù khó nghe nhưng được việc. Khi có người nghi ngờ việc chúng ta làm, hãy học cách nhìn lại chính mình, có sai thì sửa, không sai thì cố gắng thêm.
4. Đau buồn lớn nhất là nguội lòng, cái chết vẫn chỉ xếp thứ hai
Nguội lòng tức là nhụt chí, chai lì vô cảm. Một người không có khả năng tự do suy nghĩ, thì đáng sợ hơn cả cái chết. Có người chết rồi, nhưng dường như vẫn đang sống mãi. Có người đang sống, nhưng thực là đã chết rồi.
Nếu chỉ có cái vỏ da thịt này, không có tư tưởng, người ta sẽ trở thành cái xác biết đi. Như vậy chẳng phải còn đau buồn hơn là đã chết sao?
5. Không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè
Ếch ngồi đáy giếng, sống nơi nhỏ hẹp, nhìn vòm trời chỉ như miệng giếng ắt là không biết được cái mênh mông của biển cả. Côn trùng mùa hè chỉ sống trong vài tháng nắng hạ, cũng chẳng thể nào hiểu được cái giá lạnh của băng tuyết mùa đông.
Đừng nói đạo lý với người ngang bướng, đừng tranh luận với những người không cùng một tầng thứ, bạn chỉ lãng phí thời gian và tinh lực mà thôi.
6. Người có tài chẳng cần nói nhiều, chỉ có những kẻ bất tài vô dụng mới hay khoe khoang, thể hiện
Nhìn người không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, lâu ngày tất sẽ hiện nguyên hình. Đánh giá tình cảm không nên chỉ nhìn qua hành động, khi lâm nạn mới thấy được chân tình. Trước sau nên nhớ kỹ: Đường xa biết sức ngựa, lâu ngày mới hiểu lòng người.
7. Kẻ hay khen người khác trước mặt họ, cũng hay nói xấu sau lưng họ
Một người thích xu nịnh, lấy lòng đương nhiên cũng thích nói xấu, gây chuyện thị phi. Bởi họ cư xử theo cung cách tiểu nhân, gió chiều nào theo chiều ấy. Trong cuộc sống, có thể bạn sẽ gặp loại người này. Mỗi khi gặp mặt đều hớn hở, tươi cười, trước mặt có thể tâng bốc bạn lên mây nhưng sau lưng thì điều gì cũng vu cho bạn, làm vấy bẩn thanh danh của bạn. Kiểu người này chính là “Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm” vậy.
8. Mưu sự không có chủ kiến ắt khốn đốn, làm việc không có chuẩn bị ắt sẽ hỏng
Người chần chừ, thiếu quyết đoán, sẽ mất rất nhiều thời gian, vì thế mà bỏ lỡ thời cơ quan trọng. Rất nhiều cơ hội chỉ đến một lần trong đời, để tuột mất thì là tuột mất, không sao vãn hồi nổi nữa. Cơ hội sẽ chỉ dành cho người có chuẩn bị trước.
Cơ hội không phải may mắn từ trên trời rơi xuống, nó là quan hệ nhân – quả vậy. Nỗ lực hết mình thì cơ hội sẽ đến.
9. Người chân thành là tột bậc tinh tế và thành thật; nếu không tinh tế và thành thật thì chẳng thể nào cảm động được người khác
Cảm hóa người khác là chuyện không dễ. Đó không chỉ là việc cần đến sự khôn ngoan, cơ trí bề mặt, nó còn là sự cảm thấu từ trong tâm, sự đồng điệu tận cõi lòng.
Chỉ khi đối xử với người bằng cõi lòng thành thực, chân thành, trong ngoài như một, lời nói và hành động nhất quán thì mới cảm hóa, lay động được người khác.
Theo Daikynguyenvn