54 người trong danh sách “Bài Poker an ninh quốc gia” của HK có nguy cơ bị bắt giữ
Gần đây, một danh sách “Bài Poker an ninh quốc gia” đã được đăng tải trên Internet, liệt kê danh sách những người trong Đảng Dân chủ ở Hồng Kông có thể bị truy nã theo luật pháp của ĐCSTQ, bao gồm Lê Trí Anh, Lý Trụ Minh và 54 người khác.
Kể từ khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, người dân Hồng Kông đã nhiều lần xuống đường biểu tình để bày tỏ sự phản đối của họ. Tuy nhiên, vào ngày 28/5, ĐCSTQ đã thông qua dự luật bất chấp sự phản đối từ dư luận.
Theo “Tin tức Newtalk” của Đài Loan, ngay sau khi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được thông qua, liền xuất hiện một danh sách “Bài Poker an ninh quốc gia” được xếp theo thứ tự dựa trên hoạt động của các đối tượng trong quá khứ đấu tranh cho nền dân chủ và tự do ở Hồng Kông.
Trong số đó, có hai thẻ Phăng teo hay Joker đại diện cho Lê Trí Anh, chủ tịch của One Media Group và Lý Trụ Minh, cựu chủ tịch và cố vấn cao cấp của Đảng Dân chủ. Họ bị buộc tội “chia rẽ đất nước, lật đổ chế độ, cấu kết với nước ngoài”, và Lê Trí Anh còn thêm “Hoạt động khủng bố”.
“Át Bích” là người ủng hộ “Phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn” năm 2014, học giả pháp lý Đới Diệu Đình; “Át cơ” là Chủ tịch Đảng Dân chủ Hà Tuấn Nhân; “Át Chuồn” là luật sư Hồng Kông Lương Gia Kiệt; “Át Rô” là người lãnh đạo phong trào lao động Hồng Kông, Tổng thư ký của “Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông” Lý Trác Nhân.
Ngoài ra, các thành viên của Đảng Dân chủ như Quách Vinh Khanh, Hồ Chí Vĩ, Mao Mạnh Tĩnh, Lâm Trác Đình, Chu Khải Địch, Đồ Cẩn Thân, Trịnh Tùng Thái, Quảng Tuấn Vũ, Hứa Trí Phong, Đàm Văn Hào, Doãn Triệu Kiên, Âu Nặc Hiên, Quách Gia Kỳ, Dương Nhạc Kiều, Trần Thục Trang và Hoàng Bích Vân, cùng những người khác cũng được liệt kê trong danh sách này.
Ngày 18/4 năm nay, chính phủ Hồng Kông đã bắt giữ 15 nhà dân chủ như Lý Trụ Minh, Dương Sâm, Hà Tuấn Nhân và Lê Trí Anh dưới chiêu thức “nghi ngờ tham gia hoặc tổ chức một cuộc diễu hành trái phép vào năm ngoái”.
Đảng Dân chủ mô tả hoạt động này là “đàn áp chính trị”. Vụ việc đã gây ra sự chú ý của chính phủ Anh, Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp của Hồng Kông, cũng sẽ khiến cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tại nơi này nhanh chóng kết thúc.
Nhưng điều đáng chú ý là vài ngày trước, Lạc Huệ Ninh, giám đốc Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông, đã phát biểu rằng luật này phải được thông qua và được thực thi càng sớm càng tốt, “không bao giờ để Hồng Kông trở thành một mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Văn phòng Liên lạc cũng lần đầu tiên tuyên bố rằng đây là một tổ chức được thành lập bởi Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tại Hồng Kông và không chịu điều chỉnh bởi Điều 22 của “Luật cơ bản” liên quan đến việc “chính quyền trung ương không can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông”. Tuyên bố này được hiểu là mở đường cho ĐCSTQ thúc đẩy Điều 23 của “Luật cơ bản”.
Báo cáo của BBC dẫn lời Trần Văn Mẫn, luật sư cao cấp danh dự của Hồng Kông, chỉ trích rằng nếu “chính trị vượt trên pháp luật” của Đại lục được đặt ở Hồng Kông, thậm chí là loại bỏ pháp luật, thì liệu Hồng Kông có còn hưởng được quyền “một quốc gia, hai chế độ” hay không.
Gia Hưng (Theo NTDTV)