Xếp hàng mua hàng khuyến mãi
Các siêu thị ùn ứ, trung tâm thương mại đông nghịt người, sức mua tăng cao nhưng không có hiện tượng hút hàng, tăng giá. Đây là đặc điểm chung của ngày thứ ba trong tháng khuyến mãi ở TP.HCM.
Người dân chọn mua hàng tại hội chợ khuyến mãi (Q.11, TP.HCM) – Ảnh: Thanh Đạm |
Diễn biến sức mua trong ngày lễ Quốc khánh 2-9 cho thấy việc mua sắm của người dân năm nay đã tính toán hơn, ưu tiên hàng thiết yếu, hạn chế hàng xa xỉ.
Giá thực phẩm biến động nhẹ Tại các chợ, từ sáng sớm các quầy hàng thực phẩm tươi sống khá đông đúc. Thịt gia súc, thủy hải sản, rau lá… nhanh chóng bán sạch, tầm trưa nhiều chợ đã vãn. Theo các tiểu thương, sức mua chỉ tăng nhẹ so với ngày thường nhưng các mặt hàng thủy hải sản cao cấp như tôm sú, cua, ghẹ… bán chạy, giá tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Giá một số loại rau tăng nhẹ như xà lách, cải bó xôi… do thời tiết mưa nhiều, cà chua, dưa leo, mướp… giá ổn định. |
Tăng thêm hàng
Sáng 2-9, dòng người đổ về nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) ngày một đông cho dù trời nắng nóng. Các bãi giữ xe xung quanh khu vực này được huy động hết cỡ để phục vụ người dân vào tham quan mua sắm. Chị Thục Quyên, ngụ Q.11, cho biết từ 9g sáng đã tranh thủ ghé hội chợ để mua cặp sách cho con, tham quan các gian hàng mãi đến 12g trưa chị vẫn chưa rời khỏi hội chợ.
Với gần 360 gian hàng bày bán khá đa dạng mặt hàng từ quần áo, giày dép, thực phẩm đến điện tử, thiết bị máy móc…, nhiều bà nội trợ, gia đình nhẫn nại ghé các gian hàng lựa chọn, nghe nhân viên bán hàng tư vấn và dùng thử sản phẩm.
Anh Thanh Tùng, ngụ Q.Tân Bình, cho biết ngày lễ cả nhà không đi đâu nên dẫn bé đi hội chợ. Đến nơi mới nhận thấy hàng hóa nhiều nhưng không dễ lựa chọn. Theo anh Tùng, nhiều mặt hàng mua được thì không có ưu đãi, những mặt hàng giảm giá 30-50% chất lượng lại vô chừng, không rõ nguồn gốc.
Nhân viên bán hàng Công ty TNHH Ba Huân cho biết rất nhiều khách vào mua trứng, gạo vì có khuyến mãi. Những gian hàng đông khách nhất vẫn là của các doanh nghiệp có tiếng như cặp túi xách Miti, Mr.Vui, thực phẩm Vissan… Trong các túi hàng, những mặt hàng thiết yếu được người dân ưu tiên. Bởi vậy mặc dù phải mua vé vào cổng 5.000 đồng nhưng lượng khách đến tham quan, đi chơi nhiều hơn khách ra về tay xách nách mang.
Với những ưu thế tràn ngập khuyến mãi, không gian thoáng mát, giá cả ổn định, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều gia đình không có điều kiện đi chơi xa. Tình trạng quá tải, chen chúc xảy ra ở một số siêu thị. Theo đại diện siêu thị Maximark, sức mua có tăng nhưng không đột biến. Trong giỏ hàng của khách, thực phẩm tươi sống, chế biến và hàng tiêu dùng nhanh áp đảo. Phòng kinh doanh các siêu thị cho biết sức mua tăng cao nhờ có khuyến mãi. Trong sáng 2-9, nhiều mặt hàng phải chêm kệ liên tục là bột giặt, nước xả, bột nêm, mì gói, dầu ăn…
Coi chừng “dính” hàng tồn
Giám đốc một siêu thị nhận xét các chương trình khuyến mãi năm nay không nhiều hơn năm ngoái, số lượng mặt hàng, hình thức khuyến mãi cũng không nhiều hơn nhưng chương trình được chú ý vì sự vượt trội so với các hoạt động quảng cáo đang bị đóng băng. Điều đáng lưu ý là chất lượng hàng khuyến mãi năm nay được đánh giá cao, không chỉ xả hàng tồn, nhiều cửa hàng, siêu thị giảm giá trực tiếp hàng mới như một cách “tài trợ giá” cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty may túi xách Miti, cho biết trong bối cảnh hiện nay không giảm giá sẽ không bán được hàng. Hiện nay chi phí dành cho quảng bá thương hiệu gần như bị cắt giảm, thay vào đó nhà kinh doanh dành hẳn tiền cho khuyến mãi như một cách “bớt giá” cho người tiêu dùng. “Nhiều phụ huynh đã chấp nhận cho con dùng chiếc túi xách cũ thay vì mua mới” – ông Kiên nói.
Hai ngành hàng có chỉ số hàng tồn kho nhiều là dệt may và điện máy hiện đang là nhóm hàng có mức giảm giá “khủng” nhất, nhưng trong ngày 2-9 khách đến các trung tâm điện máy xem nhiều hơn là mua. Theo ông Nguyễn Minh Thư – phó tổng giám đốc hệ thống Thiên Hòa, ngay cả khi có khuyến mãi, sức mua cũng khó tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Các hình thức mua hàng tặng kèm hàng, giảm giá trực tiếp khai thác tâm lý thích “trúng liền” của người tiêu dùng được áp dụng nhiều.
Tuy nhiên, thực tế trong 2.500 điểm đăng ký bán hàng khuyến mãi, người dân rất khó nhận biết đâu là điểm bán nằm trong chương trình vì cửa hàng nào cũng treo băngrôn giảm giá, thậm chí nhiều cửa hàng ăn theo ghi thêm dòng chữ “Hưởng ứng tháng khuyến mãi” để thu hút người tiêu dùng.
Chị Hồng Nhung, nhân viên một công ty hóa mỹ phẩm, cho biết mặc dù mới đầu mùa nhưng nhiều cửa hàng thời trang đã lợi dụng cơ hội này để đẩy hàng tồn, hàng lỗi mốt. Rất nhiều mặt hàng khuyến mãi mua hai tặng một phần quà, hay chỉ những sản phẩm có trọng lượng lớn mới được nhận ưu đãi, chẳng khác gì bắt người tiêu dùng “ôm hàng”.
Ông Lê Văn Khoa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thừa nhận rất khó kiểm soát tình hình khuyến mãi do điểm bán rộng khắp, người dân cần tỉnh táo khi chọn mua sản phẩm, đến các điểm bán có thương hiệu rõ ràng và chỉ mua hàng đúng nhu cầu.