Trung Quốc đoạt giải thưởng nhờ làm…hàng nhái
Ảnh chụp ngày 14 tháng 03, Cảnh sát bước đi trên đống thuốc giả bị tịch thu tại Bắc Kinh. (STR/AFP/Getty Images)
Vụ việc cơ quan hải quan tại sân bay Paris đã thu giữ 30 chiếc cúp FIFA World Cup giả mạo mới toanh, sáng bóng, được bọc và đóng hộp cẩn thận vào tuần trước đã trở thành một tin tức nóng hổi, nhưng sự việc này vẫn còn ít được biết đến so với sự kiện Trung Quốc đã giành ba Giải thưởng Plagarius một cách công bằng và khách quan vào đầu năm nay cho việc sản xuất hàng giả và vi phạm bản quyền nổi tiếng toàn thế giới.
World Cup là mỏ vàng cho các sản phẩm hàng giả của Trung Quốc. Đầu tiên phải kể đến là hơn 2.000 chiếc cúp giả mạo bất hợp pháp khác và hơn 20.000 chiếc áo FIFA World Cup dỏm đã bị thu giữ trước khi chúng kịp rời khỏi bờ biển của Trung Quốc. Những kẻ làm hàng giả còn bán cả các lá đơn xin nghỉ ốm giả mạo để người hâm mộ bóng đá có thể xin nghỉ ở nhà và xem các trận đấu.
Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã dễ dàng đoạt Giải thưởng Plagiarius, với một giải cao nhất và các giải khác kém danh giá hơn. Giải thưởng Plagiarius là một giải thưởng của Đức có tính chất bêu xấu được lập ra nhằm tố cáo những kẻ làm hàng nhái. Năm nay, Trung Quốc đã thu hoạch được hai loại giải thưởng Plagiarius cao nhất, bao gồm hai giải thưởng Giả mạo (Falsification Awards ) và một giải thưởng Xuất chúng (Distinctions Awards).
Bản sao trái phép của Trung Quốc về thiết bị điều trị bằng sóng xung kích tên là “ZWave” đứng đầu về lĩnh vực Ăn cắp bản quyền, tiếp theo là các sản phẩm công nghiệp giả mạo như máy phun rửa áp lực cao, các loại đèn pin và đèn pha LED, và đồng hồ đo áp lực. Các sản phẩm giả mạo và các sản phẩm chính hãng gần như giống hệt nhau.
Theo Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, Trung Quốc đại lục vẫn là nguồn cung cấp hàng giả và hàng vi phạm bản quyền chủ yếu ra thế giới trong nhiều năm nay. Chỉ tính riêng trong năm 2013, lượng hàng nhái từ các nhà máy của trung Quốc bị hải quan Mỹ tịch thu có tổng giá trị 1.1 tỷ $ hoặc nhiều hơn, chiếm 68% tổng giá trị của tất cả các vụ thu giữ của hải quan Mỹ.
Theo dữ liệu thu thập từ năm 2006 đến năm 2010 của Tổ chức Hải quan thế giới, có 75% các sản phẩm giả mạo bị thu giữ trên toàn thế giới là đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc là kẻ hăng say làm hàng giả, họ phù phép các loại thực phẩm một cách tài tình từ nguồn nguyên liệu rẻ tiền. Ví dụ, theo truyền thông đại lục gần đây đưa tin, thịt cừu xiên nướng giả mạo được sản xuất từ thịt vịt và thịt lợn rẻ tiền ướp với các loại phụ gia, mà sản phẩm này đã trở thành một mặt hàng chủ yếu trong ngành công nghiệp bánh mỳ kẹp thịt kebab.
Trong những năm qua, những kẻ làm giả thực phẩm đã chế ra nho giả, trứng giả. Vào năm ngoái, một vụ việc đã trở thành một tin tức nổi cộm – đó là việc thịt bò giả được làm từ thịt lợn rẻ tiền được xử lý bằng hóa chất, bao gồm sáp parafin và muối công nghiệp, để làm cho thịt rắn chắc hơn. Ngoài ra còn có thịt cừu giả làm từ thịt chuột, thịt chồn và thịt cáo được tẩm hóa chất.
Ngoài các sản phẩm như ví, đồng hồ và các thiết bị điện tử, những kẻ làm nhái các sản phẩm hàng hóa trung cấp của Trung Quốc hiện đang bán iPhone 6 thậm chí còn trước khi sản phẩm này được phát hành, hay chí ít là bán vỏ của loại iPhone mới này cho những người thích đi đầu trào lưu. Văn bằng giả từ các trường đại học uy tín của Mỹ, cùng với bảng điểm giả mạo cũng có bán cho các sinh viên Trung Quốc.
Đối với loại hàng hóa cao cấp, có thăm dò hành vi gian lận đã phát hiện các biên lai kho ngoại quan giả mạo từ khu vực cảng Thanh Đảo, được sử dụng để đánh lừa các ngân hàng về các giao dịch tài chính liên quan đến kim loại quý. Trang web của Trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong cho biết, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Goldman Sachs đã báo cáo về các giao dịch được thế chấp bằng những kim loại quý không có thực, có giá trị lên tới hàng tỷ đô la.
Ông Christopher Reich, một ký giả nổi tiếng đã lý giải tình trạng hàng giả này của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với Đại Kỷ Nguyên vào năm ngoái. Ông cho biết: “Ở Trung Quốc, việc làm hàng nhái không được coi là hành động vi phạm đạo đức. Nó gần như còn được hoan nghênh.”
Ông cũng cho biết: “Khi hệ thống tư bản phát triển ở Trung Quốc, việc sao chép sản phẩm của người khác thực sự trở thành xương sống cho ngành công nghiệp của nước này. Đó không phải là một bước tiến gì to tát khi chuyển từ việc làm ra sản phẩm sang việc ăn cắp thiết kế của người khác và nói rằng đó là của mình.”
Theo Đại Kỷ Nguyên