Nam Nữ Thụ Thụ Bất Thân
Hiểu về sự tinh túy của nghi lễ cổ xưa, có ý nghĩa tích cực làm quy phạm để uốn nắn những quan hệ nam nữ tùy tiện phóng khoáng thời hiện đại. (Ảnh: Fotolia)
Mới nhìn đề mục này, có thể có nhiều người sẽ cười: “Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn lấy câu này ra để nói ?” Con người hiện nay có phản ứng như thế, chỉ có thể nói là bình thường, không có gì là kỳ quái. Ngày nay đến học sinh tiểu học còn biết yêu, những đứa bé trong nhà trẻ cũng còn biết về những việc này, việc loạn tính của những vị thành niên thì càng không cần nói nữa, tán tỉnh đưa tình, rồi nói những câu chuyện cười đồi trụy tục tĩu cứ như thể đó là những kỹ năng giao tiếp cơ bản của một người bình thường, có ai còn quan tâm đến câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” nữa chứ ?
“Nam nữ thụ thụ bất thân”, theo lễ nghi xưa, ý là nam nữ không được trực tiếp trao đồ vật cho nhau. Đó là thật hay giả ? Có người cảm thấy đây là chuyện lạ khó có thể tưởng tượng được đúng không ? Kỳ thực, để con người hiện nay có thể lý giải được lễ nghi thời xưa, quả thật rất khó. Nhưng đây đích thực là một trong những lễ nghi thời xưa. Nếu như không lý giải một cách cứng nhắc thì tinh hoa của lễ nghi này chính là việc giao tiếp giữa nam và nữ bắt buộc phải thật nghiêm túc, tuyệt đối không thể tùy tiện. Trong quá khứ, hình thức lễ nghi này được thực hiện trong một giai đoạn thời gian rất dài, chứ không chỉ là những thứ được ghi chép lại trên giấy. Không cần nói đến 2000 năm trước, chỉ khoảng hơn 100 năm trước, trong gia đình của các tiểu thư khuê các, quyền quý hay trong các gia đình bình dân có con gái cũng vậy, “ Cửa lớn không được ra, cửa nhỏ cũng không được ra” – hiện tượng như vậy rất phổ biến đúng không ?
Vậy tại sao lại xuất hiện lễ nghi như thế ? Chỉ có thể giải thích một chút rằng, lễ nghi mà nam nữ thời xưa phải tuân theo so với con người hiện đại ngày nay tồn tại sự khác biệt cực kỳ lớn, cổ nhân đối với quan hệ nam nữ có sự nghiêm khắc về giới hạn và quy phạm. Những điều này tại “Lễ Ký” và “Nữ Luận Ngữ” đều có thuyết minh tường tận. Lễ nghi không chỉ là thể hiện ở nơi công khai, không chỉ dùng ở những nơi long trọng, mà còn được sử dụng trong cuộc sống gia đình thường ngày ở mọi nơi mọi lúc, chỉ có vợ chồng, các em nhỏ, hoặc giữa các thành viên trong gia đình thì mới có thể được thoải mái hơn một chút. Nhưng tuyệt đối cũng không thể tùy tiện, không thể giống như các hành vi không phân biệt lớn nhỏ, không phân biệt trong ngoài như ngày nay. Ví dụ như hành động nâng khay ngang mày ( một điển tích về vợ của Lương Hồng thời Hậu Hán khi dâng cơm cho chồng ăn luôn nâng khay ngang mày), đó là một loại biểu hiện cụ thể của lễ nghi giữa vợ chồng với nhau.
Đương nhiên, lễ nghi không phải là quy tắc tiêu chuẩn lớn nhất, bên trên còn có sự câu thúc của Đạo, Đức, Nhân Nghĩa v.v… Mạnh Tử từng nói: “Thấy chị dâu bị chìm mà không kéo lên, đó là loài lang sói. Nam nữ thụ thụ bất thân, đó là lễ. Chị dâu bị chìm, dùng tay kéo lên, đó là quyền được phép mà linh động vậy”. Cũng là để nói, Lễ cũng không phải là tuyệt đối không thể vượt qua, điều quan trọng là hành vi ấy bắt nguồn từ sự việc gì, xuất phát từ cái tâm nào. Đây là lý giải và viên dung về câu nói “Nam nữ thụ thụ bất thân” dưới một góc độ khác của Mạnh Tử.
Mọi người có thể nói, nam nữ thụ thụ bất thân, là một bộ phận ngu muội nhất của xã hội thời phong kiến, là điều trói buộc tư tưởng của con người trong sự mê tín phong kiến, là thứ đã qua lâu rồi, sớm đã bị vứt vào đống rác của lịch sử rồi. Người thường là không muốn có một sự câu thúc gò bó nào, luôn thích một cuộc sống tự do tự tại, đương nhiên cũng bao gồm luôn cả mối quan hệ nam nữ trong đó. Nhưng mà … con người là một quần thể tồn tại, là xã hội con người, sở dĩ gọi là xã hội con người chính là vì có tồn tại những quy tắc. Nếu như không có những quy tắc này thì con người so với động vật nào có khác biệt gì ? Đối với việc coi thường và làm trái với lễ nghi cổ xưa về quan hệ giữa nam và nữ, đây không phải là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhân loại hiện nay bị suy đồi hay sao ?
Tất nhiên, “nam nữ thụ thụ bất thân” có những mặt cứng nhắc,máy móc và hơi quá mức, là những quy định và hạn chế ở bề ngoài, đã khiến nhân loại rời xa khỏi bản tính lương thiện và thuần chân vốn có. Nhưng, trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài, nó đã duy hộ cho quan hệ nam nữ trong xã hội Trung Quốc không sớm bị bại hoại, khởi tác dụng chính diện trong việc ổn định kết cấu gia đình của xã hội. Xã hội nhân loại đi tới bước ngày hôm nay, nếu lại khởi xướng lễ nghi về “nam nữ thụ thụ bất thân” thì có lẽ đã không còn có cách nào thực hiện được, nhưng nếu có thể lý giải được những tinh túy trong lễ nghi này, đối với việc điều chỉnh và uốn nắn lại sự tùy tiện cực độ giữa nam và nữ hiện nay thì chắc chắn sẽ gây được tác dụng rất tích cực.
Những thứ thịnh hành và những điều đúng đắn vĩnh viễn là hai điều khác nhau. Sự tùy tiện giữa nam và nữ trong xã hội hiện đại, đó là sự rời xa các quy tắc chuẩn mực cơ bản của con người , là sự biểu hiện của nền đạo đức bại hoại !
(Theo Việt Đại Kỷ Nguyên)