Dịch cúm gia cầm áp sát Thủ đô Hà Nội
Dịch cúm gia cầm đã áp sát cửa ngõ phía đông Thủ đô Hà Nội, khi ngày 1/3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong ngày 1/3, đã có báo cáo dịch cúm gia cầm cúm A/H5N1 mới phát sinh từ tỉnh Hưng Yên.
Theo TS Văn Đăng Kỳ – Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y – tại tỉnh Hưng Yên, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi vịt ở thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm làm 2.132 con vịt mắc bệnh trong tổng đàn vịt nuôi 5.700 con. Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với chính quyền phương đang triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Và ngay trong ngày 1/3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 294/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.
Hiện nay, cả nước còn 56 ổ dịch Cúm gia cầm H5N1 tại 21 tỉnh. Toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu huỷ.
Các địa phương có ổ dịch cũ đã qua 21 ngày gồm các tỉnh: Nam Định, Long An, Kon Tum và Đắk Lắk.
Tiêu hủy gia cầm nhiễm cúm A/H5N1. Ảnh: TRANG THY
Các tỉnh, thành phố còn các ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày gồm: Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thanh Hoá, Phú Thọ, Bình Định, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hải Dương, Sóc Trăng, Gia Lai.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương. Tính đến ngày nay cả nước đã phát hiện dịch cúm gia cầm tại 25 tỉnh, thành phố với hơn 90 ngàn gia cầm bị bệnh, số gia cầm bị tiêu hủy là hơn 115 ngàn con. Đặc biệt dịch cúm gia cầm tại Khánh Hòa, Lào Cai, Trà Vinh, Vĩnh Long, dịch xuất hiện ở nhiều xã và làm chết nhiều gia cầm.
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, công tác phòng chống dịch ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập. Ở nhiều địa phương tồn tại tình trạng có dịch nhưng không công bố xã có dịch; không lập chốt kiểm tra gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch, không có biển báo có dịch. Ngoài ra, cũng không vệ sinh thu gom rác thải chăn nuôi tại nơi có dịch, ; công tác tiêu độc khử trùng không đảm bảo yêu cầu, một số nơi chưa phát động tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
Điều đáng quan ngại là hầu hết các hộ chăn nuôi không biết cụ thể về kinh phí cũng như thủ tục hỗ trợ tiêu hủy gia cầm, do vậy ở nhiều nơi, người dân đã không khai báo dịch bệnh và vứt xác gia cầm bệnh ra môi trường.
Theo Văn Duẩn (Nld)