Lão sinh thường đàm(老生常谈)
Câu thành ngữ “Lão sinh thường đàm” có nghĩa là: lời những ông đồ già thường nói, cứ lặp đi lặp lại những lời ấy, cùng với giọng điệu ấy.
Câu này có xuất xứ từ truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, một trong tứ đại danh tác Trung Hoa, kể về thời kỳ Tam Quốc.
Thời Tam Quốc có Quản Lộ (209-256) là người nổi tiếng với tài tiên tri. Ông là người học Đạo, mười lăm tuổi đã tinh thông Kinh Dịch, có thể thấy được rất chính xác vận mệnh của con người.
Một ngày nọ, Hà Yến và Đặng Dương, lúc ấy đang là Thượng thư Nhà Ngụy, mời Quản Lộ xem cho mình một quẻ. Hà Yến nói: “Ông thử xem cho tôi một quẻ, xem có làm đến Tam công được không? Mấy ngày trước, tôi mộng thấy mấy mươi con ruồi đậu trên sống mũi, đuổi mãi chẳng đi, đó là điềm gì vậy?”
Quản Lộ biết rằng quẻ này vốn rất khó nói, nếu nói không khéo thì sẽ sinh họa. Ông bèn trầm ngâm rồi nói: “xưa Nguyên Khải giúp vua Thuấn, Chu Công giúp nhà Chu, cùng có đức hạnh mà được hưởng phúc. Nay quân hầu ngôi cao quyền trọng, nhưng người mến đức thì ít, mà kẻ sợ oai thì nhiều; đó không thể là dùng quyền thế mà cầu phúc được. Vả lại, mũi là hòn núi; núi cao mà không đổ, thì mới giữ được phú quý. Nay ruồi nhặng là giống hôi bẩn, lại đậu lên trên, thế thì ngôi cao phải đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều, thêm chỗ ít, điều gì phi lễ thì chớ có làm. Như thế thì ngôi Tam công mới đến tay, mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.”
Đặng Dương thấy Quản Lộ trả lời chẳng vừa ý, bèn nói “Đúng là lời ‘lão sinh thường đàm’, chẳng ra gì”, không tin vào lời của Quản Lộ mà bỏ đi.
Không lâu sau, Tư Mã Ý (179-251) tạo phản, lên nắm quyền bính Nhà Ngụy. Hà Yến và Đặng Dương đều bị Tư Mã Ý đưa ra hành hình.
Về sau “Lão sinh thường đàm” đã trở thành một thành ngữ dùng để mô tả về những lời nói cứ lặp đi lặp lại.
Link gốc: http://vietdaikynguyen.com/v3…
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên