35 Nghị sĩ Mỹ yêu cầu điều tra tờ China Daily của Trung Quốc
35 Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ hôm 7/2 đã gửi thư cho Bộ Tư pháp yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về tờ báo China Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo tờ South China Morning Post (SCMP).
“Vai trò quan trọng của China Daily trong chiến dịch đánh lạc hướng thông tin nước ngoài của Trung Quốc cần phải được điều tra đầy đủ. Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA) đã trang bị những công cụ cho chính phủ liên bang để chống lại những ảnh hưởng nguy hiểm từ nước ngoài. Bộ Tư pháp nên sử dụng những công cụ này để kiểm soát những tuyên truyền của ĐCSTQ,” bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ghi rõ.
Bức thư được 9 thượng nghị sĩ và 26 hạ nghị sĩ Cộng hòa ký tên, được gửi hôm 7/2 và được công bố hôm 8/2. Nghị sĩ Jim Banks, Thượng nghị sĩ Tom Cotton và các nghị sĩ khác đề nghị Bộ Tư Pháp phải kiểm soát lại những tuyên truyền của ĐCSTQ. Đồng thời các nghị sĩ yêu cầu điều tra tờ báo này về những vi phạm luật pháp Mỹ và các báo cáo chi tiết về hoạt động tài chính.
Theo nội dung thư, kể từ năm 2017, Trung Quốc đã rót 35 triệu USD cho China Daily như một phần của chiến dịch tuyên truyền nước ngoài trị giá hàng tỷ USD trong thập kỷ qua. Tờ báo này đã “xuất bản những bài báo bị bóp méo về chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc và mối quan hệ của đảng này với Mỹ đối với lượng độc giả nói tiếng Anh, vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA)”.
Tờ China Daily của ĐCSTQ đã đăng ký FARA vào năm 1983 nhưng nhiều lần không khai báo chi tiêu ở Mỹ, bao gồm tiền để chèn nội dung và các đoạn đặc biệt của báo vào khoảng 30 tờ báo độc lập nhằm “ca ngợi đảng Cộng sản Trung Quốc”, bức thư cho hay.
Trong khi đó trên trang web của mình, China Daily tự mô tả là “lựa chọn mặc định” của hơn 200 triệu độc giả và một kênh để trao đổi thông tin “giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”.
Ngoài ra, bức thư của các nghị sĩ Hoa Kỳ còn cho biết: “Một số bài báo [của China Daily] như để đánh bóng chính quyền Trung Quốc, và nhằm tạo ra vỏ bọc cho chế độ tàn ác của ĐCSTQ, bao gồm các tội ác chống lại người Ngô Duy Nhĩ ở Tây Tạng và đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông.”
Tháng trước, Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng đã buộc tội Bắc Kinh phạm tội chống lại loài người vì tống giam hơn 1 triệu người ở Tân Cương. Việc giam giữ phi pháp này cũng bị nhiều nước phương Tây và các nhóm vận động trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án. Tuy nhiên, Trung Quốc một mực phủ nhận điều này.
Hiện Văn phòng của China Daily tại Mỹ vẫn chưa phản hồi về thông tin trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa bình luận về sự việc.
Bên cạnh các lĩnh vực thương mại, công nghệ, quốc phòng và giáo dục, truyền thông cũng đã trở thành chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc. Được biết, chi nhánh CGTN America của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc hồi tháng 2/2019 cũng đăng ký FARA, song đã bị Quốc hội Mỹ từ chối 4 tháng sau đó.
Những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến các tổ chức Trung Quốc hoạt động tại Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều kể năm 2017, khi các nhà lập pháp kêu gọi xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Điều đó dẫn đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư nước ngoài của Ủy ban liên ngành về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ.
Thiện Thành (t/h)