Sao chổi hé lộ bí mật của Mặt trời
Cuộc chạm trán ở khoảng cách gần của một sao chổi với Mặt trời đã giúp các
nhà khoa học quan sát được một vùng mặt trời mà chưa có bất kỳ tàu vũ trụ nào
của chúng ta tiếp cận được.
NASA chuẩn bị phóng vệ tinh quan sát Mặt trờiĐoán tương lai Trái đất nhờ ngôi sao song sinh Mặt trờiNgày mặt trời nổi cơn cuồng nộVideo ngoạn mục về 3 năm hoạt động của Mặt trời
Play
Do biết trước quỹ đạo của Lovejoy, các nhà khoa học đã huấn luyện 2 vệ tinh
song sinh, quan sát Mặt trời của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Solar
Dynamics Observatory và Stereo cũng như tàu vũ trụ Hinode của Nhật ghi lại toàn
bộ hình ảnh về sự kiện.
Trong lúc lao về phía Mặt trời với tốc độ 600km/giây, sao chổi Lovejoy trông
như một vệt sáng dịch chuyển cực nhanh với một cái đuôi dài rực rỡ theo sau. Các
hình ảnh thu được cho thấy, sao chổi ngày càng rực sáng khi xâm nhập vào quầng
Mặt trời, nơi có nhiệt độ lên tới hàng triệu độ C. Đuôi của Lovejoy cũng bắt đầu
dịch chuyển.
Tiến sĩ Karel Schrijver đến từ Trung tâm Công nghệ phát triển Lockheed Martin
ở California, Mỹ giải thích: “Sao chổi Lovejoy đã đi xuyên qua một khu vực trong
bầu khí quyển của Mặt trời mà chúng ta không thể quan sát được. Con người không
thể tới đó vì các vệ tinh và tàu vũ trụ sẽ tan chảy. Chúng ta cũng không thể
quan sát được nó vì có quá nhiều ánh sáng phát ra từ đó …
Khi đi vào quầng Mặt trời, đuôi của Lovejoy không còn theo sau phần đầu của
nó một cách hoàn hảo như chúng ta kỳ vọng … Phần đuôi sao chổi bị mắc kẹt
trong từ trường của Mặt trời và bị bật nảy tới – lui”.
Bằng cách nghiên cứu những chuyển động của Lovejoy, các nhà nghiên cứu lần
đầu tiên đã có thể tìm ra nhiều thông tin hơn về những đặc tính, bao gồm cả lực
hút của từ trường Mặt trời. Theo họ, điều này có vai trò vô cùng quan trọng.
Từ trường của Mặt trời làm phát tán các vụ nổ và cơn gió mặt trời xuất hiện
trong quầng Mặt trời. Những hoạt động dữ dội này có thể làm bắn các hạt mang
điện tích vào vũ trụ, tạo nên “thời tiết không gian”, có khả năng gây tổn hại
đến các vệ tinh và thiết bị viễn thông của con người.
Sau khi sao chổi Lovejoy tiếp xúc trong cự ly gần với Mặt trời, các nhà khoa
học đã ngạc nhiên khi nhìn thấy quả bóng gồm băng đá và bụi này vẫn sống sót,
tái xuất hiện ở phía bên kia của Mặt trời. Dẫu vậy, 2 ngày sau, nó bị phân rã.
Tiến sĩ Schrijver cho biết: “Hiện đã con người đã quan sát được khoảng 1.600
sao chổi sượt qua Mặt trời. Tuy nhiên, tất cả chúng đều biến mất, hay nói cách
khác là không còn sống sót. Lovejoy là sao chổi đầu tiên chúng tôi quan sát thấy
đủ lớn để vượt qua cuộc tiếp xúc gần này, mặc dù không được lâu”.
Giới nghiên cứu hy vọng có thêm cơ hội ghi lại cuộc chạm trán sinh tử khác
của một sao chổi với Mặt trời vào cuối năm nay, khi sao chổi Ison dự kiến sẽ bay
ngang qua Trái đất trước khi lao về phía Mặt trời.
Tuấn Anh(Theo BBC)
(vietnamnet.vn)