Bùng phát đồng loạt nhiều loại cúm nguy hiểm
“Chúng ta không nên nóng vội nhưng cũng không được chủ quan” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ngày 23.4.
Nhiều ca tử vong do cúm
Ngày 23.4, bé gái 12 tuổi (trú tại Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) vừa nhập viện điều trị bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã tử vong. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, được đặt ống nội khí quản, thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H1N1. Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được dùng thuốc kháng virus và được hồi sức tích cực. Tuy nhiên, cháu bé đã không qua khỏi. Từ đầu năm 2013, đây là bệnh nhân thứ 3 tử vong do cúm “thường” H1N1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giám sát việc kiểm dịch việc chăn nuôi gà ở Bắc Giang.
Theo bác sĩ Hà, virus H1N1 gây cúm trên người thường gây bệnh nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp. Tuy nhiên, gần đây, liên tục có các ca cúm A/H1N1 với các biểu hiện bệnh nặng, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong trong tháng 4. Bác sĩ Hà đặt dấu hỏi về việc virus H1N1 đã sắp xếp lại gen và có các biến đổi để gây bệnh nặng hơn.
Ông Trần Đắc Phu – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 1 trường hợp tử vong là bé trai 4 tuổi ở Đồng Tháp. Điều tra dịch tễ cho thấy 2 trường hợp này đều có liên quan đến giết mổ thịt gà, ăn thịt gà chết và sống trong vùng có dịch H5N1. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, từ đầu năm 2013, cả thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm cúm H5N1 (12 tử vong) trên 4 quốc gia (Việt Nam 2, Campuchia 9, Trung Quốc 2, Ai Cập 1).
Ngoài ra, tại Trung Quốc đã có 105 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 21 ca tử vong. Mỗi ngày có từ 5-10 ca nhiễm mới. Bệnh xuất hiện ở nhiều độ tuổi, tuy nhiên các ca bệnh nặng phần lớn trên 60 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Trung Quốc cho biết chưa loại trừ khả năng bệnh này lây nhiễm từ người qua người do đã có chùm ca bệnh H7N9 trong một gia đình. Tuy nhiên, cũng chưa có bằng chứng khẳng định điều này. Cho dù virus H7N9 được tìm thấy ở gia cầm và bồ câu nhưng cũng chưa biết cách lây nhiễm của bệnh này là như thế nào. Vì có đến 40% bệnh nhân bị bệnh cúm A/H7N9 mà không hề tiếp xúc với gia cầm và bồ câu bệnh.
Virus cúm đang “dở chứng”
Báo cáo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm 2013 đến nay cho thấy, trong số gần 1.000 mẫu thu thập được có 119 mẫu dương tính với cúm (chiếm 12,4%), trong đó có đến 57% là cúm A/H1N1, 38% cúm B, 17,6% cúm A/H3N2, đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B chiếm 2,5%. Theo ông Nguyễn Như Dương – Viện Phó viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nếu như năm 2012 có sự gia tăng của cúm B và cúm H3N2, thì năm nay lại có sự trở lại của cúm A/H1N1. Ngoài ra, các điểm giám sát cúm cũng báo cáo về gần 340 ca bệnh có hội chứng viêm đường hô hấp cấp (nhiều hơn so với các năm trước), trong đó 8,3% dương tính với các loại cúm. Và chưa có trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9.
PGS – TS Trịnh Quân Huấn (chuyên gia Bộ Y tế) cho biết, việc tìm thấy H5N1 trên chim sống cho thấy, nguy cơ con chim này có thể mang virus H5N1 đi lây lan sang các đàn khác là rất lớn. So với hàng triệu con chim yến đang được nuôi trong vùng, con số 187 mẫu được xét nghiệm cũng không lớn. Theo ông Huấn, chim sống mang trùng H5N1 không lây nhiễm sang người, chỉ khi chim chết, thịt chim này ăn thì nguy cơ lây nhiễm H5N1 mới xảy ra.
Ông Huấn cho biết, cả H1N1 trên người và H5N1 trên gia cầm không lây nhiễm sang người qua đường hô hấp (thở) mà lây nhiễm qua việc tiếp xúc với các chất bài tiết, chất dịch từ người và gia cầm nhiễm các loại virus này.
Cũng theo PGS Huấn, hiện dịch cúm đang diễn biến phức tạp với nhiều biến đổi khó lường. Cúm A/H1N1 sau khi tạo thành đại dịch từ năm 2009, nay đã trở thành cúm thường, với triệu chứng nhẹ. Nhưng hiện nay lại có nhiều biến đổi mạnh, gây bệnh nặng với nhiều ca tử vong liên tục gần đây. Còn H5N1 xưa nay chỉ có ở gia cầm, nay đang tạo dịch trên chim yến – một loài chim được chăn thả tự do “trên trời”, nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Trước đây, tỷ lệ tử vong do cúm H5N1 ở người là thấp, nhưng nay lên đến 92% cũng là một hiện tượng “khó hiểu”.
Còn bản thân virus H7N9 vốn xưa nay chỉ tìm thấy ở gia cầm và chim hoang dã, gây bệnh nhẹ thì nay lại “nhảy” sang người, với tỷ lệ tử vong và tiến triển bệnh nặng khá cao. Trong số 105 ca mắc thì mới chỉ có 13 ca được xuất viện, 21 ca tử vong, còn đa số các ca bệnh đều suy hô hấp nặng, khó lường. “Những bằng chứng đó cho thấy, sự biến đổi khó lường của virus cúm. Việc các virus cúm ở người và virus cúm gia cầm “gặp nhau” trên vật chủ là người sau đó tạo thành một chủng mới dễ thích nghi hơn, bệnh nặng hơn là rất có khả năng”- ông Huấn nhấn mạnh.
Theo danviet