Căn bệnh nào đã hủy hoại cả dòng họ Darwin?
Có lẽ nhà bác học nổi tiếng Charles Darwin – người cha đẻ của thuyết tiến hoá cũng không ngờ rằng: hậu duệ trong gia đình mình lại có thể mắc phải những chứng bệnh và các dị tật bẩm sinh khủng khiếp đến vậy. Đi tìm câu trả lời cho những căn bệnh có tính di truyền trong gia tộc Darwin, các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng, mọi nguyên nhân xuất phát từ những cuộc hôn nhân cận huyết thống giữa các thành viên trong gia đình này.
Manh mối đầu tiên được tìm thấy là cuộc hôn nhân giữa Charles Darwin với chính người chị họ của ông – Emma Wedgwood. Cuộc hôn nhân gần huyết thống này giữa hai người đã mở đầu cho một chuỗi các bi kịch cho các thế hệ sau. Đó là tỷ lệ vô sinh và chết non cho những đứa trẻ trong gia đình Darwin sau này.
Charles Darwin và người con cả |
Nghiên cứu cho thấy, Darwin và vợ ông – Emma vốn là chị em họ. Họ đã có với nhau 10 người con, song 3 trong số đó đã chết khi còn nhỏ và 3 đứa trẻ khác thì bị mắc chứng vô sinh. Nguyên nhân là bởi sự kết hôn cận huyết thống giữa hai người đã khiến cho sự duy trì các gen bị lỗi và thậm chí là đã nhân chúng lên nhiều lần.
Tuy nhiên, sự kết hôn cận huyết thống này vẫn không dừng lại ở đó. Nhiều cuộc hôn nhân khác trong gia tộc Darwin vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng kết hôn gần. GS. James Moore thuộc Trường đại học Open cho biết: Thậm chí trước đời của Charles Darwin, bố mẹ của ông cũng rơi vào các trường hợp kết hôn trong cùng dòng tộc. Bằng chứng là cả ông bà ngoại và mẹ của Darwin đều mang họ Wedgwood. Nghiên cứu kỹ về gia đình Darwin, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: Hầu hết các thế hệ trong gia đình này đều có quan hệ hôn nhân cận huyết thống. Chẳng hạn như: ông ngoại của Darwin là Josiah Wedgwood đã kết hôn với người chị họ đời thứ 3 của mình là Sarah và đã có với nhau 8 người con. Tiếp theo đó, người con gái cả của ông bà, mẹ của Charles Darwin là Susannah Wedgwood lại kết hôn với chính người anh họ của mình là Robert Darwin.
Cùng lúc, người con trai cả của ông bà ngoại của Charles Darwin là Josiah sau khi lập gia đình đã có 9 người con, mà 4 trong số đó, bao gồm cả vợ của Charles là Emma đã kết hôn với những người anh chị em họ của mình. Xét về quan hệ họ hàng, bản thân Charles Darwin và vợ ông – bà Emma là chị em họ của nhau.
Sự gần gũi về quan hệ dòng tộc này đã dẫn tới kết quả là trong gia đình Darwin đã có tới 26 người được sinh ra bởi các cuộc hôn nhân giữa anh chị em họ. Trong số đó, có 19 người không thể tiếp tục sinh con, 5 người bị chết trẻ và 5 người bị mắc chứng thiếu khả năng nhận thức bẩm sinh.
Trong số 62 người cô, chú họ thuộc 4 đời bắt đầu từ ông bà ngoại của Charles là Josiah và Sarah, có tới 38 người không thể sinh con. Điều này đã dẫn tới sự suy tàn của dòng họ Darwin.
Trong các nghiên cứu của mình, GS. Michael Golubovsky – thuộc Trường đại học California – Mỹ đã đưa ra giả thuyết về việc những người trong cả hai gia đình Darwin và Wedgwood đều có mang các gen đột biến liên quan đến chứng vô sinh. Các gen vô sinh này đã được di truyền lại cho các đời sau và với sự kết hôn cận huyết thống, số các gen đột biến được nhân lên gấp hai lần do nhận được hai phiên bản từ cả bố và mẹ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vô sinh trong các thành viên của gia đình Darwin lại cao tới mức như vậy.
GS. Golubovsky cũng khẳng định rằng: Cả Charles và Emma đều mang trong mình một phiên bản gen đột biến. Do vậy, 3 đứa con của họ là William, Henrietta và Leonard đều đã nhận được gấp đôi số gen đột biến này: một từ mẹ và một từ bố. Hệ quả tất yếu là chứng vô sinh mà cả 3 người con của Charles Darwin đã mắc phải. GS. Golubovsky cũng khẳng định, tỷ lệ cao của sự di truyền này không gì khác mà chính là do mối quan hệ cận huyết thống trong gia đình Darwin.
Các nhà khoa học khẳng định rằng, nguyên nhân của việc những đứa trẻ trong gia đình Darwin bị bệnh và chết non chính là do yếu tố hôn nhân cận huyết thống từ nhiều đời trong gia đình ông dẫn tới sự di truyền của những gen đột biến gây bệnh.
Bản thân Darwin về cuối đời cũng bị mắc bệnh nghiêm trọng. Và Annie – con gái của Darwin sau này cũng mắc phải chính dạng bệnh ấy do di truyền gen từ người cha.
Hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Tại Anh, 55% phụ nữ người Anh gốc Pakistan lấy chồng là anh em họ; 8,5% những đứa trẻ được sinh ra bởi các cặp vợ chồng nói trên là có chung huyết thống. Và theo các nhà khoa học thì chính việc kết hôn giữa các anh chị em họ gần trong gia đình đã khiến cho nguy cơ lỗi gen, đột biến gen, và tỷ lệ quái thai, bệnh tật lạ tăng lên rất nhiều. Theo điều tra xã hội học, số trẻ người Anh gốc Pakistan được sinh ra ở Anh chỉ chiếm 3% số trẻ em, song lại chiếm tới 1/3 các trường hợp bị chứng lỗi gen, hoặc đột biến gen di truyền.
(SK&ĐS/The Sunday Times)