Bị đưa vào trại cải tạo vì đấu tranh đòi công bằng cho con gái 11 tuổi bị bắt vào lầu xanh
Sau khi bé gái 11 tuổi bị bắt cóc, bán vào nhà thổ, người mẹ đã đấu tranh đòi xử tử những kẻ phạm tội.
Người mẹ đã biểu tình trước chính quyền vì đứa con. Bà bị đi trại cải tạo lao động và vừa được ra trước hạn hôm qua.
Bà Tang Hui xúc động trong một cuộc phỏng vấn truyền hình sau khi được thả ra từ trung tâm cải tạo lao động. Ảnh: China Daily
China Daily cho biết bà Tang Hui, 39 tuổi, bị đưa vào trung tâm cải tạo thông qua lao động ở thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, từ hôm 2/8 và sẽ bị giữ 18 tháng vì “phá hoại nghiêm trọng trật tự trị an, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”.
Trước đó, bà Tang đã nhiều lần đến các trụ sở chính quyền địa phương để biểu tình và nộp đơn tố cáo cơ quan cảnh sát thành phố giả mạo bằng chứng nhằm giảm nhẹ tội cho những kẻ đã bắt cóc, cưỡng hiếp và ép con gái 11 tuổi của bà làm gái mại dâm.
Cải tạo lao động là loại hình giáo dục được thành lập từ những năm 1950, nhằm mục đích cải tạo những người vi phạm pháp luật. Bà Tang hôm 7/8 đã nộp đơn lên chính quyền xin xét lại hình phạt dành cho mình.
Sau khi cân nhắc nội dung lá đơn, các nhà chức trách quyết định trả tự do cho bà, vì con gái bà, giờ đã 17 tuổi, vẫn là trẻ vị thành viên, cần được mẹ quan tâm, săn sóc. Cáo buộc của bà Tang về việc cảnh sát giả mạo bằng chứng vẫn đang được điều tra.
Cô con gái của bà bị một nhóm người bắt cóc, cưỡng hiếp và ép bán dâm hồi tháng 11/2006. Cô bé đã phải phục vụ tình dục hơn 100 lần trước khi được giải cứu hai tháng sau đó.
Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Hồ Nam đã kết án tử hình hai thủ phạm gây vụ việc trên hồi tháng 6 vừa qua. Năm tên khác chịu án tù chung thân và 15 năm tù. Trước và sau khi các mức án được tuyên bố, bà Tang đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đòi xử tử cả 7 tên.
“Bà Tang không thỏa mãn với bản án này và đã phá hoại nghiêm trọng trật tự trị an, gây tác động tiêu cực đến xã hội”, Xinhua dẫn thông báo của sở công an thành phố khi đưa ra hình phạt dành cho người mẹ này.
Vụ việc của bà Tang đã thu hút hơn 700.000 bài viết trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Sina Weibo. Hầu hết trong số đó bày tỏ sự cảm thông với bà và kêu gọi công lý cho người mẹ này.
Xem thêm:
>> Trung Quốc xưa và nay
>> Bắc Kinh và Ðài Bắc: hai thành phố, hai thế giới hoàn toàn khác biệt
(Theo soha)