Thần Châu sử cương: Phương pháp Thiên thời Ngũ hành (3)
2. Phê phán lịch sử quan duy vật của Marx
Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc cực kỳ coi trọng lịch sử. Chúng ta có “Sử ký” huy hoàng của Tư Mã Thiên, có “Tư trị thông giám” mênh mông của Tư Mã Quang, có 24 bộ sử là chứng kiến sự tồn tại của dân tộc Trung Hoa. Thế nhưng trong đầu những người Trung Quốc hiện nay lại chứa đầy cái gọi là ‘lịch sử quan 5 giai đoạn’ của Karl Marx. Nào là xã hội nguyên thủy, xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sau đó còn thêm vào ‘xã hội xã hội chủ nghĩa’, rồi lại thêm ‘giai đoạn đầu’. Cho dù có người không ngừng thêm vào, thì vẫn khiến người ta cảm thấy bị bó hẹp trong cái khung lịch sử quan cố hữu, tưởng rằng lịch sử Trung Quốc đúng là như vậy, không hề cảm thấy nghi ngờ hệ thống lịch sử của Karl Marx. Các học giả Trung Quốc còn tranh luận về phân đoạn thời gian giữa xã hội nô lệ và xã hội phong kiến, có người nói nào là lấy mốc theo Tây Chu, rồi Tần Hán, Ngụy Tấn, v.v. Lại còn lấy năm 1840 làm điểm khởi đầu Trung Quốc cận đại. Tuy nhiên tranh luận tới tranh luận lui thì vẫn không ai dám nói Marx là sai, cũng như việc Marx có con riêng như được kể bởi Engels, hay việc Marx là giáo đồ giáo phái Sa-tăng phản Cơ Đốc.
Nếu như nói triết học Marx chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hegel, thì lịch sử quan của Marx lại bắt nguồn từ chủ nghĩa Darwin, cho dù là “Nguồn gốc các loài” hay “Tuyên ngôn đảng cộng sản” thì cũng vậy. Ở đây cũng thuận tiện nói thêm rằng, trước đây có người từng tuyên bố cái gì là “phép duy vật biện chứng của hai mặt đối lập là nhất trí với tư tưởng của Lão Tử”, lẫn lộn tư tưởng triết học Đông-Tây; e rằng người này còn chưa từng đọc qua “Đạo Đức Kinh”. Trên thực tế, tư tưởng Tây phương là nhị phân pháp, là nhị nguyên luận, cũng chính là của Thượng Đế trở về với Thượng Đế, của Caesar trả lại cho Caesar. Còn tư tưởng Trung Quốc là ‘Thiên nhân hợp nhất’, là ‘hợp’ chứ không phải là ‘phân’. Nếu như nói phải phân ra, thì tư tưởng Trung Quốc là ‘nhị nguyên tam yếu tố’. Lão Tử giảng, “Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, chứ không phải là “nhị sinh vạn vật”. Nhất là Thiên, nhị là Địa, tam là nhân. Đây chính là ‘tam tài’ mà người Trung Quốc giảng, người ở đây là ‘tam’. Điều này đã tiết lộ một số tín tức của Thần: trước có người, sau sinh vạn vật, vạn vật vì người mà sinh ra. Điều này cũng giống với điều mà Cơ Đốc giáo giảng là quá trình Thượng Đế tạo ra con người. Kỳ thực không chỉ có ‘tam’ của Lão Tử, còn có Hậu thiên Bát quái phương vị của Văn Vương, còn có Thập Dực chú giải “Chu Dịch” của Khổng Tử, đều là giảng về lý chuyển hoán từ tự nhiên tiên thiên sang nhân luân hậu thiên. Mà Thiên thời, Địa lợi, nhân hòa và tư tưởng Trung Dung đều có quan hệ với nhân lý. Nếu như có cơ hội, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận trong các loạt bài “Vị lai Bát quái phương vị” và “Dĩ Thổ vi quý”.
Giờ chúng ta sẽ phân tích một chút luận thuật liên quan mà tôi đã trình bày trong loạt bài “Tiết lộ lực lượng của Thiện—Từ lý luận kết cấu xua tan đến thí nghiệm về tinh thể nước” và “Tiết lộ lực lượng của Thiện—Bàn về mô hình doanh nghiệp thành công”. Lịch sử quan 5 giai đoạn của Marx là một lịch sử quan tuyến tính được đơn giản hóa, mà tư duy tuyến tính hoặc mô hình vũ trụ cơ giới là bắt nguồn từ thời Newton. Newton đã đưa ra rất nhiều giả thiết cơ giới luận và giả thiết số học, ví dụ giả thiết về tính đối xứng của thời gian và tính phong bế của hệ thống, giả thiết về tính khả phân và hoàn nguyên của vật chất, v.v. Rất rõ ràng, Darwin là một người vượt ranh giới giả thiết vũ trụ luận của Newton. Ông ta là người vượt ranh giới, nhưng không giống như Einstein là người vượt ra khỏi thực sự. Bởi vì người vượt ra khỏi thường là đứng từ góc độ quan sát hoặc suy xét mới, lập ra hệ thống lý luận mới, cũng như định nghĩa lại về điều kiện giới hạn. Darwin là một người vượt ranh giới, nhưng lại phạm quy. Ông ta nhìn thấy thành công cực đại của cơ giới luận trong thời đại cách mạng công nghiệp, do đó đã vội vàng đem cơ giới luận của Newton áp dụng vào giới sinh vật, tức vượt ranh giới giả thiết cơ giới luận và điều kiện giới hạn mà Newton định nghĩa. Ví dụ điều kiện về tính đối xứng của thời gian, bởi vì cái gọi là “tiến hóa sinh vật” có thời gian mang tính đơn hướng, thế mới có cái gọi là “tiến hóa và phát triển” chứ. Lại như điều kiện về tính phong bế của hệ thống, Darwin mặc định coi hệ thống sinh tồn chỉ có một lựa chọn là “cạnh tranh”. Còn có một ví dụ khác mà tôi thường đưa ra, đó là nếu chiểu theo phép tích phân của Newton—tức theo nguyên tắc khả phân, hoàn nguyên và đối xứng trong cơ giới luận—mà đem áp dụng vào giới sinh vật, nếu một cái đầu heo được coi là một con heo hoàn chỉnh, rồi lại chia ra vô số phần, thì đó còn là con heo nữa không? Hoàn toàn không phải. Nó sẽ chết mất, sẽ mất đi thuộc tính của sinh mệnh. Đây chính là vấn đề lớn xuất khi áp dụng mô hình cơ giới luận vào giới sinh vật, nó đi ngược lại phép tắc sinh mệnh. Cũng là nói rằng hệ thống cơ giới và hệ thống sinh mệnh hoàn toàn không phải là cùng một loại hệ thống. Nếu có hứng thú, xin các bạn thử đọc qua cuốn “Giải thể văn hóa đảng”; ở đó có phê phán tường tận đối với thuyết tiến hóa, tôi chẳng qua chỉ là bổ sung mấy điểm mà thôi. Tôi còn bổ sung thêm hai câu nữa, đó là thuyết tiến hóa đã sớm phá sản trong phân tử sinh vật học rồi, bởi vì phân tử sinh vật học phát hiện ra rằng sự khác biệt của các vật chủng nằm tại kết cấu gien của chúng chứ không phải bề ngoài. Ví dụ chó ngao Tây Tạng và chó Bắc Kinh khác nhau rất nhiều, nhưng chúng đều được gọi là chó! Bạn không thể gọi chó ngao Tây Tạng là sư tử được! Lại như tại Mỹ quốc, có người da trắng, da vàng, da đen, nhưng họ đều là người Mỹ cả. Bạn không thể lấy tướng mạo để phán đoán quốc tịch được.
Chúng ta lại tiếp tục phân tích, nếu nói Darwin là một người vượt ranh giới, một học sinh áp dụng không đúng cách nguyên lý vũ trụ luận của Newton, tựa như một học sinh làm bài vật lý mà nhầm nguyên lý và sai công thức, thì những người theo chủ nghĩa Darwin xã hội vượt ranh giới sau đó, họ còn nhầm lẫn hơn nữa là áp dụng nhận thức sai lầm của Darwin vào xã hội nhân loại. Từ đó mới có Karl Marx và lịch sử quan 5 giai đoạn của ông ta. Nó chẳng qua chỉ là một sản vật của chủ nghĩa Darwin xã hội, đem lịch sử nhân loại đơn giản hóa và miêu tả thành quy luật tuyến tính; nó cùng lắm cũng chỉ bắt chước mô hình vũ trụ luận tuyến tính của Newton thôi, đem lịch sử xã hội nhân loại coi như một phương trình tuyến tính.
Sau khi phân tích nguồn gốc tư tưởng của lịch sử quan Marx, chúng ta lại xem cơ sở sự thật lịch sử của lịch sử quan Marx. Marx lúc đầu là một tín đồ Cơ Đốc giáo, do đó hiểu khá rõ về “Thánh Kinh” và thần thoại La Mã; tuy nhiên phạm vi tri thức và tầm nhìn của ông ta chỉ cuộc hạn trong lịch sử Châu Âu, e rằng chẳng biết gì mấy về Trung Quốc.
Marx đã quan sát lịch sử Châu Âu cổ đại (mà Marx gọi là ‘xã hội nô lệ’), thường là chế độ cộng hòa, ví như thành bang Hy Lạp hay La Mã trước thời Caesar, còn La Mã sau thời Caesar thì là một hình thức đế quốc. Nhưng sau khi tiến nhập vào thời Trung Cổ (Marx gọi là ‘xã hội phong kiến’), thời đại đế quốc lớn Châu Âu đã kết thúc rồi, tan rã rồi, Châu Âu lại trở về một loại thời đại giống như thành bang. Tuy nhiên đây không phải là chế độ cộng hòa thành bang theo kiểu Hy Lạp cổ đại, mà là một loại thời đại tiểu vương quyền, trong đó dưới quốc vương còn có công hầu bá tước. Các công tước, bá tước, nam tước này đều có quyền thu thuế và binh quyền bên trong các lãnh địa, như kỵ sĩ Trung Cổ và võ sĩ Nhật Bản vậy. Loại chế độ phong kiến với đại vương, tiểu vương, thậm chí tiểu tiểu vương này, là có đất phong, tức họ có quyền làm chủ và ra lệnh trên mảnh đất phong ấy, đây mới là bản chất của chế độ phong kiến. Bản chất của chế độ phong kiến là phân quyền, chứ không phải là tập quyền. Tuy nhiên rất nhiều người Trung Quốc không rõ, cứ nói “phản phong kiến”, thường chụp lên cái mũ “phong kiến”, mà chẳng mấy người biết được hàm nghĩa chân thật là gì.
Quá trình lịch sử Trung Quốc so với Châu Âu là khác biệt rất lớn; Trung Quốc là chế độ triều đại, còn Châu Âu là chế độ vương quốc. Marx thấy lịch sử Châu Âu từ thời đại đế quốc lớn La Mã cổ đại tiến vào thời đại vương quốc nhỏ Châu Âu thời Trung Cổ. Còn Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại, là từ thời đại tiểu tiểu vương của Tây Chu tiến vào thời đại đế quốc lớn thời Tần Hán. Tất nhiên chúng ta không quá khắt khe yêu cầu Marx phải hiểu rõ về lịch sử Trung Quốc. Điều đáng cười là những người cho rằng lý luận của Marx “đúng với mọi nơi” là những người có dụng tâm. Ví dụ những người trong giới sử học từng tranh luận xem nên phân đoạn “xã hội phong kiến Trung Quốc” như thế nào, nào là từ Tây Chu, Tần Hán, Ngụy Tấn, v.v. Thực ra theo tiêu chuẩn của cái gọi là ‘xã hội phong kiến’ của Marx, chỉ có ba triều Hạ, Thương, Chu trước Tần Hán ở Trung Quốc mới phù hợp với tiêu chuẩn chế độ phong kiến, bởi vì đây là thời đại có đại vương tiểu vương, Trung Quốc gọi là ‘chế độ chư hầu’. Nghe nói vào triều Thương, Trung Quốc có trên 100 nước chư hầu, thời Tây Chu có 800, đến Chiến Quốc thất hùng tranh bá còn khoảng 200.
Giới sử học Trung Quốc tranh luận tới tranh luận lui, cuối cùng nói triều Tần là khởi đầu xã hội phong kiến Trung Quốc. Điều hoang đường nằm ở đâu? Khẩu hiệu quản lý quốc gia của nước Tần khi thống nhất lục quốc chính là: phản phong kiến, chế quận huyện. Nhà Tần là chế độ quận huyện trung ương tập quyền, họ chính là phản đối chế độ phong kiến của thời đại Thiên Tử nhà Chu; vậy mà các học giả ngày nay lại coi triều Tần là khởi đầu của xã hội phong kiến Trung Quốc. Nếu như Tần Thủy Hoàng ở dưới mồ nghe thấy câu này, không biết ông sẽ nghĩ gì nữa. Mục tiêu và thành quả phấn đấu cả đời của ông—phản phong kiến, thống nhất lục quốc—lại bị người đời sau nói thành khởi đầu chế độ phong kiến. Ông nhất định sẽ dở khóc dở cười. Chúng ta biết rằng sau khi Hạng Vũ diệt Tần, ông đã khôi phục lại chế độ chư hầu. Nhà Hán thời Lưu Bang là quận huyện chế và chư hầu chế đồng thời tồn tại, nhưng quy định không phải họ Lưu thì không được phong vương. Sau loạn bảy nước, chế độ chư hầu dần dần suy bại, dần dần bị thay thế bởi chế độ quận huyện thống nhất tập quyền; vương công bá hầu mà người đời sau giữ lại chẳng qua chỉ là hư danh mà thôi, như Hán Thọ đình hầu Quan Vũ chẳng hạn,… Cho dù triều Minh cũng có vương như vậy, nhưng thực ra chỉ có quyền ăn bổng lộc mà không có quyền cai trị thực sự, cai trị đều là quan viên do trung ương bổ nhiệm.
Còn có một điều khiến người ta dở khóc dở cười, đó là bản chất chế độ phong kiến là phân quyền, thế nhưng kể từ triều Tần trở đi, Trung Quốc là một hình thức tập quyền trung ương. Phân quyền và tập quyền là đối lập, tức chế độ phong kiến và chế độ trung ương là đối lập. Vậy mà các trí thức Trung Quốc lại coi lịch sử 2.000 năm từ triều Tần tới nay là “quốc gia thống nhất chế độ phong kiến”, mà không biết rằng “thống nhất” và “phong kiến” là không thể hợp nhất. Nói thời đại đế quốc thống nhất hoặc thời đại nông nghiệp còn có thể lý giải được, chứ “thống nhất” và “phong kiến” không thể cùng một chỗ, cũng như “dân chủ” và “chuyên chính” vậy. Mọi người đều cảm thấy kỳ quái, nhưng đã thành tập quán lâu rồi, không phân biệt được rõ nữa.
(còn tiếp)
Theo chanhkien.net