Tin Mỹ chôn chất độc da cam gây chấn động Hàn Quốc
Hàn Quốc và Mỹ hôm qua bắt đầu điều tra cáo buộc từ những binh lính Mỹ từng đóng tại Hàn Quốc rằng quân đội Mỹ đã chôn chất làm rụng lá (mà Mỹ từng dùng trong chiến tranh Việt Nam) gần 1 căn cứ của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc
Mỹ rải chất độc da cam xuống những cánh rừng của Việt Nam thời chiến tranh |
Nếu điều tra cho thấy cáo buộc này là đúng sự thật, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở trong nước và trên phạm vi toàn cầu.
Vấn đề đã được đưa ra ánh sáng sau bài phóng sự của một đài truyền hình ở Arizona. Trong đó, những binh sỹ Mỹ đã từng làm việc tại căn cứ Carrol của các lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc ở huyện Chilgok tỉnh Bắc Gyeongsang cho biết họ đã chôn một số thùng có vẻ như chứa chất độc làm rụng lá hay còn gọi là chất độc da cam ở gần căn cứ này.
Tiết lộ trên được củng cố bởi một phát hiện gần đây về báo cáo năm 1992 của Công binh Lục quân Mỹ nói rằng các thùng chứa hóa chất đã được chôn tại tỉnh phía đông nam Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung tướng John D. Johnson thuộc Tư lệnh quân đoàn lục quân số 8 của Mỹ tại Hàn Quốc nói thêm rằng bản báo cáo đã không nêu rõ các thùng được chôn có chứa chất độc da cam.
Hôm qua, một lời khai mới về lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã chôn lấp chất độc hại ở 2 nơi khác của căn cứ Carrol đã được đưa ra.
Trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Yonhap, một người mang họ Koo đã từng làm việc tại căn cứ Carrol trong 33 năm qua cho biết, ngoài trừ nơi gần bãi đáp trực thăng của căn cứ, Mỹ đã chôn lấp chất độc hại ở 2 địa điểm khác là bãi đất trống gần tòa nhà sĩ quan và khu xung quanh trạm chữa cháy.
Ông Koo cho hay, vào năm 1972 theo mệnh lệnh của quân đội Mỹ, ông trực tiếp đào hố sâu 9m, rộng khoảng 195m2 để chôn cất khoảng 50 thùng chứa hóa chất và chất độc hại.
Theo người trên, địa điểm này cách khoảng 3m từ bãi đáp trực thăng, nơi hiện gây tranh cãi về nghi ngờ chôn lấp chất độc da cam.
Người biểu tình tụ tập trước sứ quán Mỹ tại Seoul phản đối hành động Mỹ giấu chất độc trên lãnh thổ Hàn Quốc. |
Hàn Quốc chấn động
Nhưng tin trên, dù còn chờ xác nhận, vẫn gây chấn động dư luận Hàn Quốc vì dù sao thì những phát biểu của các cựu quân nhân Mỹ và bản báo cáo quân sự khiến người ta tin vào cáo buộc quân đội Mỹ đã chôn hóa chất.
Chất làm rụng lá là một loại thuốc diệt cỏ mạnh có thể giết chết cây cối bằng cách làm khô lá cây. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hóa chất diệt cỏ và chất làm rụng lá tại Việt Nam và các nước láng giềng nhằm làm trơ trụi những cánh rừng và mùa màng để bộ đội và du kích Việt Nam không có chỗ ẩn náu cũng như không có nguồn lương thực.
Chất làm rụng lá được cho là cực kỳ độc hại đối với hệ sinh thái và cơ thể người bởi chúng chứa hợp chất carcinogen dioxin với hàm lượng độc tố cao. Do không biết về sự nguy hiểm của chất này mà rất nhiều người gồm cả dân thường và quân đội đã bị phơi nhiễm hóa chất mà không có phương tiện bảo vệ nào. Và rất nhiều người trong số họ đã bị chết hoặc bị ung thư, khuyết tật bẩm sinh và các bệnh về thần kinh khác.
Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 27/5 cho biết đoàn điều tra của Chính phủ đã lấy mẫu nước ngầm tại 6 địa điểm gần căn cứ và các quan chức của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cũng tham gia cuộc lấy mẫu trên.
Seoul và Washington sẽ thành lập nhóm điều tra chung sau khi chuyên gia môi trường của Mỹ tới Hàn Quốc và thực hiện kiểm tra tại nội bộ căn cứ Carrol của Mỹ vào tuần tới.
Được biết, kết quả phân tích mẫu nước ngầm dự kiến sẽ được đưa ra vào 2 tuần sau. Đồng thời, Bộ Môi trường sẽ thực hiện điều tra ô nhiễm đất tại khu vực gần căn cứ này vào tuần tới.
Cùng ngày hôm nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thành lập nhóm chuyên trách để thực hiện điều tra về môi trường của khu vực trước đây có căn cứ lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc mà Washington trao trả cho Seoul trước năm 2003. Nhóm sẽ tổ chức cuộc họp lần đầu tiên vào ngày 31/5 để lập kế hoạch điều tra cụ thể và bàn thảo phương án chi ngân sách.
Hôm 26/5, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Mỹ cung cấp tài liệu bản đồ của các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc nhằm khoanh vùng khu vực được điều tra ô nhiễm môi trường. Theo Chính phủ, Hàn Quốc đã được trao trả 85 khu vực trước đây có căn cứ Mỹ trước năm 2003 và diện tích là khoảng 84km2, rộng gấp 10 lần đảo Yeouido ở Seoul.
Theo Dân Trí