12 người Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ, “dự luật dẫn độ” liệu có thành hiện thực?
Vào cuối tháng 8, khi 12 người Hồng Kông cố gắng trốn qua qua Đài Loan bằng đường thủy, họ đã bị cảnh sát biển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chặn lại và giam giữ bí mật trong hơn 20 ngày. Vào ngày 13/9, phân cục Yantian của cục công an thành phố Thâm Quyến đưa ra thông báo rằng, 12 người đã bị tạm giữ hình sự vì tình nghi vượt biên trái phép.
Vào ngày 13/9, mạng xã hội Weibo chính thức của phân cục Yantian thuộc Cục Công an thành phố Thâm Quyến thông báo rằng, 12 người được gọi là “người vượt biên trái phép” do cảnh sát biển tỉnh Quảng Đông bắt giữ đã bị giam giữ hình sự vì tình nghi phạm tội vượt biên trái phép.
12 người này bao gồm những thanh thiếu niên Hồng Kông từng tham gia phong trào phản đối dự luật dẫn độ như Lý Vũ Hiên (Andy Li Yu-hin), thành viên của “Hồng Kông cố sự”. Họ bị Cảnh sát biển Quảng Đông chặn lại khi đang trên đường đến Đài Loan vào ngày 23/8 và bị giam giữ tại trại tạm giam Yantian thành phố Thâm Quyến.
Giang Lâm, cựu phóng viên của tờ “People’s Liberation Army Daily” cho biết: “12 công dân này đã bị cảnh sát biển của Trung Quốc đại lục bắt giữ ở hải phận quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, bất cứ ai cũng không có quyền bắt người trên hải phận quốc tế. Bạn không nên ngăn cản công dân rời khỏi đất nước của mình.
Không phải bản thân 12 công dân này là vi phạm, mà là việc bắt giữ của các anh là bất hợp pháp. Cho dù 12 người này có phạm luật, nhưng họ đều giữ hộ chiếu Hồng Kông, việc này không thuộc quyền hạn của cảnh sát biển Đại lục. Nếu những người này bị cảnh sát biển Đại lục bắt giữ thì họ nên được chuyển về tư pháp Hồng Kông xử lý, chứ không phải giam giữ ở Thâm Quyến hơn 20 ngày”.
Cùng ngày, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã đăng trên Twitter tuyên bố rằng, 12 người Hồng Kông không phải là nhà hoạt động dân chủ mà là “những phần tử ly khai có ý đồ chia cắt Hồng Kông ra khỏi Trung Quốc”.
Đối với phát ngôn này của Hoa Xuân Oánh, Giang Lâm nói rằng: “Trong tình huống khi những người này chưa qua bất kỳ phiên tòa xét xử nào, bà đã chụp mũ họ, nói rằng họ có ý đồ chia rẽ Hồng Kông. Vậy cơ sở của bà gì là gì? Bà hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào mà lại chụp một cái mũ chính trị cho họ, bà chẳng qua là còn muốn sử dụng một bộ hệ thống trong nước này để thể hiện vị thế độc tài của mình mà thôi”.
Thái Diệu Xương (Richard Tsoi), thành viên và là bí thư của “Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc” (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China) cũng nói với đài truyền hình Tân đường nhân (NTDTV) rằng, với tư cách là bộ phận ngoại giao ĐCSTQ, không nên tùy ý “dán nhãn” người Hồng Kông.
Ông nói thêm, “Trước tiên, đừng nhìn vào người mà bị gắn mác. Điều quan trọng nhất là họ là người Hồng Kông, cũng là công dân Trung Quốc. Các quyền cơ bản của người dân cần được bảo đảm, tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không có bất kỳ một cơ sở nào để nói một cách công khai rằng 12 người này là phần tử ‘cá biệt của Hồng Kông’, đặc biệt là vì không có bất kỳ bằng chứng gì, hơn nữa họ cũng không có bất kỳ tình tiết vụ án nào về phương diện này, cho nên việc dán nhãn là hoàn toàn không đúng”.
Một ngày trước đó, thân nhân của 12 người Hồng Kông bị tạm giữ đã tổ chức một cuộc họp báo với các nghị viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là Eddie Chu, James To cùng những người khác, nói rằng 12 người vẫn đang bị ĐCSTQ “giam giữ bí mật và không có tin tức gì”, trong đó có mấy người còn chưa đến tuổi thành niên.
Nhiều luật sư Đại lục được gia đình ủy thác đại diện cho vụ án vẫn không thể gặp thân chủ, thậm chí họ còn bị An ninh Quốc gia ĐCSTQ yêu cầu rút khỏi vụ án.
Các thành viên trong gia đình đã khóc trong cuộc họp báo, Họ lo lắng rằng các thành viên gia đình của họ bị cảnh sát ĐCSTQ giam giữ sẽ bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo. Trong giai đoạn này, họ cũng đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bộ phận khác nhau của chính quyền Hồng Kông, nhưng các bộ phận liên quan đều phớt lờ và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Các thân nhân trong gia đình đưa ra 4 yêu cầu: Cho phép những người bị giam giữ được gặp luật sư do gia đình ủy thác thay vì luật sư do chính quyền ĐCSTQ chỉ định; cho phép họ liên lạc với người nhà ở Hồng Kông; cung cấp các loại thuốc thích hợp; yêu cầu chính quyền Hồng Kông đảm bảo quyền lợi của người dân Hồng Kông và lập tức đưa 12 người trở lại Hồng Kông.
Thái Diệu Xương nói rằng: “Vấn đề chính là (công an) không để gia đình anh ta gặp người đương sự có liên quan, hơn nữa không dám chấp nhận luật sư do gia đình họ thuê để gặp người đương sự, đây là vấn đề lớn nhất. Công an Trung Quốc giam giữ họ, trong suốt quá trình này, sự bảo đảm pháp lý cho họ và gia đình của họ rõ ràng là không đủ, thực sự có vấn đề. Mặc dù cảnh sát cũng tuyên bố rằng quyền của họ được bảo đảm, nhưng vẫn không có ai được đảm bảo, kể cả người nhà hoặc việc luật sư có thể gặp người đương sự, do đó việc nói rằng ‘quyền của họ được đảm bảo’, đây rõ ràng là một điều đáng hoài nghi”.
Vào ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình gần đây của 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông bị cảnh sát biển của ĐCSTQ bắt giữ.
Tối hôm đó, Pompeo lại tweet nói rằng: “Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị bắt hai tuần trước đã bị ĐCSTQ từ chối cho gặp luật sư mà họ lựa chọn. Điều này khiến người ta vô cùng bất an. Chúng tôi hy vọng rằng, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hứa sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân Hồng Kông, và đây không chỉ dừng lại ở lời nói”.
Minh Huy (Theo NTDTV)