Chuyện con Rồng xưa và nay
Hội múa Rồng ngày 28 Tết (21/01/2012) tại một khu phố ở MadridREUTERS/Andrea Comas
Rồng là con vật do con người tưởng tượng ra. Đó là một con vật không chỉ bò trên mặt đất mà còn có thể bay trên trời. Nếu rồng là con vật sinh ra từ trí tưởng tượng của con người, thì câu hỏi đặt ra là : rồng đã « xuất hiện » từ lúc nào và từ đâu ? Hầu như không thể nào trả lời cho câu hỏi này được, mà người ta chỉ có thể đoán rằng, rồng đã « ra đời » cùng thời với những quái vật tưởng tượng khác, như con nhân sư, người cá, …
Hình tượng con rồng không chỉ có ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác nữa. Ở Trung Quốc, rồng là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, thể hiện uy quyền của nhà vua. Thời Hy Lạp cổ đại, rồng là người canh giữ các kho tàng. Trong những chuyện thời châu Âu Trung Cổ, rồng là tên hung ác, chuyên bắt cóc các nàng công chúa xinh đẹp. Nói chung, rồng phương Tây thường thuộc về « phe địch », trong khi ở phương Đông, rồng thường đóng vai « chính diện » hơn.
Trong các chuyện cổ tích châu Âu, rồng thường có ba, bốn đầu, biết phun ra lửa, chặt đầu nào, thì đầu đó tự mọc ra. Những con rồng này thường sống tại các nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc, gan cùng mình mới dám đặt chân đến.
Hình tượng con rồng ở Việt Nam theo dòng lịch sử
Còn trong văn hóa châu Á, rồng cũng nguy hiểm, nhưng không hẳn là một « lực lượng thù địch », mà thường tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Riêng đối với Việt Nam, hình tượng con rồng đã được thể hiện như thế nào qua các thời kỳ, đối với các vua chúa, cũng như trong dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư ở Lyon tóm lược cho chúng ta :
« Con rồng đối với người Việt Nam rất đặc biệt vì chúng ta là « con Rồng cháu Tiên », nhưng rồng chỉ là con vật tưởng tượng và tiên cũng chỉ là nhân vật tưởng tượng, sống trên trời, trên núi. Có lẽ con rồng đặc biệt quá nên trong 12 con Giáp, 11 con là có thật, sống trên mặt đất, chỉ có rồng là con vật tưởng tượng, mà lại sống trên trời. Từ xưa đến nay, rồng luôn là biểu hiện của nhà vua, cái gì đụng đến vua đều có rồng bên cạnh cả. Ví dụ như thấy vua thì mình gọi là « long nhan », « long thể » là thân hình của vua, áo vua mặc được gọi là « long bào », chỗ vua ở mình gọi là « bệ rồng », thuyền vua đi cũng được gọi là « thuyền rồng ». Các đền đài ngày xưa cũng được trang trí bằng rồng rất nhiều.
Dưới vua là hàng các quan lớn, tức là xuất thân từ giới sĩ tử. Khi sĩ tử đi học thì ai cũng mong thi đỗ để ra làm quan. Người nào thi đỗ thì ta gọi là « cá hóa rồng », xuất phát từ tích « Cá vượt vũ môn ». Đây là những con cá anh vũ, khi mà vượt qua được vũ môn, thì hóa thành con rồng. Các ông quan của mình ngày xưa thì ông nào cũng phải thơ văn cho thật hay, chữ viết cho thật đẹp. Dân gian mình qua bài « Ông Đồ » rất nổi tiếng của Vũ Đình Liên thì khen các ông là chữ viết như « rồng bay phượng múa ».
Dân gian của mình thì cũng chịu tác động của xã hội theo, cũng có nhiều người mơ lấy được những sĩ tử học hành thành đạt, làm quan lớn. Nên có một câu nghe không được « tiến bộ » cho lắm : « Một ngày dựa mạn thuyền rồng, còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài », tức là lấy được quan thì sướng hơn dân thường nhiều.
Tuy vậy, trong dân gian cũng có cái nhìn tiến bộ hơn, thấy được những bất công của xã hội, nên có câu : « Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu », tương đương với câu : « Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa », nghĩa là ông nào dòng dõi vua quan, thì con cái tiếp tục ăn trên ngồi chốc, còn dân đen thì muôn đời ở dưới.
Còn đời sống hằng ngày của dân gian Việt Nam thì có nhiều hình ảnh con rồng. Nước ta có một trái cây rất ngon là long nhãn, có nghĩa là mắt rồng, vì hột quả nhãn rất đen. Nhưng long nhãn là tiếng Hán Vìệt, khi gọi qua tiếng Việt thì dân gian gọi là trái nhãn lồng. Chữ « lồng » là do chữ « long ».
Thế rồi mình có cây xương rồng có nhiều gai, thường được trồng làm hàng rào, có hoa gọi là hoa móng rồng. Con rồng mình đã không thấy được, mà còn tưởng tượng ra cây xương rồng và hoa móng rồng ! Trong các loại rau mình có loại rau gọi là « long tu », người ta tưởng tượng những sợi rau giống như là râu con rồng.
Khi bạn bè đến thăm nhau, người ta thường chào bằng câu : « Hôm nay rồng đến nhà tôm », mình tự hạ thành hàng « tôm tép », còn người đến thăm mình thuộc hàng cao quý như là rồng.
Đối với trẻ con, con rồng chỉ là một đồ chơi. Trẻ con lâu lâu rủ nhau rõ chiên, gõ trống rồi đi múa rồng. Đặc biệt có một trò chơi gọi là « rồng rắn lên mây ». Trẻ con rất thực tế, xem ra chúng nhìn vấn đề đúng hơn là người lớn, tức là rồng cũng chỉ là cùng họ với con rắn, cũng đi và uốn éo như vậy, cho nên mới đặt ra trò chơi « rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm danh, hỏi thăm thấy thuốc còn nhà hay không . . . Tóm lại, hình ảnh con rồng đã ăn sâu vào đời sống của người Việt.
Nhiều người nói rằng năm Rồng là năm rất tốt. Rồng đương nhiên có thể là tốt hơn các con gà, heo, chó, mèo. Nhưng năm nào người ta cũng có những lý do để nói là năm đó tốt. Năm nay, chúng ta cứ bình tĩnh chờ hết năm, thì sẽ biết là nó tốt hay xấu. Hôm nay, là ngày đầu năm, nhân tiện tôi cũng xin chúc tất cả các thính giả của RFI và bạn bè gần xa, bây giờ rải rác khắp năm châu, một năm vui vẻ, khoẻ mạnh và nhiều thành công. »
Xin cám ơn ông Nguyễn Dư và cũng thay mặt ban Việt ngữ xin kính chúc ông một năm mới được nhiều sức khoẻ và may mắn trong năm Nhâm Thìn này.
Năm con Rồng với áp lực dân số
Vì con rồng thuộc loại động vật « quý hiếm » hơn nhiều so với 11 con giáp khác, mà lại được xem là tượng trưng cho giàu sang và quyền uy, nên nhiều cặp vợ chồng ở châu Á đợi đến năm Thìn để sinh con, và nếu sinh được con trai thì càng tốt. Cho nên, người ta đang sợ là dân số của châu lục này sẽ bùng nổ trong năm nay. Tân Hoa Xã vừa dự báo là trong năm 2012 này, tại Trung Quốc số trẻ em sinh ra sẽ tăng 5%.
Còn bên Hồng Kông thì năm con Rồng đang trở thành cơn ác mộng đối với một số bà mẹ. Lý do là vì mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn bà mẹ từ Hoa lục để sinh con, để con mình được hưởng những quyền lợi như công dân Hồng Kông. Những bà mẹ này lấy gần hết số giường vốn rất hạn chế của các bệnh viện phụ sản ở vùng lãnh thổ này và khiến chi phí bệnh viện tăng vọt. Gần đây phụ nữ Hồng Kông đã xuống đường để phản đối tình trạng đó.
Năm nay sẽ lại càng có nhiều người tranh thủ năm Thìn để sản xuất thêm em bé, áp lực lên các bệnh viện phụ sản Hồng Kông sẽ tăng thêm nữa, khiến một số bà mẹ ở cựu thuộc địa Anh quốc không dám nghĩ đến chuyện sinh con năm nay. Thê thảm hơn nữa, một số phụ nữ đang có thai nay không tìm được chỗ trống ở bất kỳ bệnh viện nào, kể cả bệnh viện tư.
Để ngăn chận làn sóng từ Trung Quốc tràn sang, chính phủ Hồng Kông đã siết chặt các quy định nhập cảnh, tăng cường kiểm soát biên giới, thấy bà nào vác cái bụng bầu đi ngang là đuổi về ngay và hạn chế số giường dành cho các bà mẹ từ Hoa lục. Nhưng các bà Trung Quốc cũng chẳng vừa gì: nhiều bà mặc đồ thật rộng để che cái bụng bầu hoặc những ai có tiền thì thuê nhà ở Hồng Kông từ lúc có thai mới vài mấy tháng để tránh bị phát hiện. Một số bà thì liều lĩnh hơn, đợi đến giờ chót mới ôm bụng quằn quại, rên la buộc xe cứu thương cấp tốc đưa họ vào bệnh viện ở Hồng Kông.
Trong khi Trung Quốc đang sợ là dân số sẽ lại tăng vọt năm nay, thì bên Đài Loan, tổng thống Mã Anh Cửu hôm thứ năm tuần trước đã hối thúc các cặp vợ chồng ở nước này sinh thêm con nhân năm con Rồng, để giúp tăng tỷ lệ sinh đẻ, mà trong năm 2010 đã xuống thấp đến mức kỷ lục. Nói chung, từ năm con Rồng lần trước, tức là năm 2000, cho đến nay, sinh lệ sinh sản của Đài Loan đã giảm liên tục.
Để lời kêu gọi có thêm hiệu quả, ông Mã Anh Cửu đã dọa rằng, nếu không có đủ nhân công trong nước, Đài Loan sẽ buộc phải nhập thêm lao động nước ngoài và như vậy vấn đề sẽ thêm phức tạp.
Singapore cũng vậy, chính quyền nước cũng đang hy vọng là năm Nhâm Thìn sẽ giúp đảo ngược xu hướng sụt giảm tỷ lệ sinh sản. Trong hai năm con Rồng trước đó, tức là 2000 và 1988, số trẻ sinh ra ở Singapore đã tăng 10%. Năm nay, người ta dự đoán mức tăng đó sẽ là 8%.
Tại Singapore, tỷ lệ sinh đẻ hiện chỉ là 1,15 em bé/ phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2,1 cần phải có để dân số có thể được duy trì đều đặn. Vì thiếu nhân công cho nên Singapore đã phải nhập rất nhiều lao động nước ngoài và hiện nay, trong tổng dân chỉ 5,2 triệu dân của nước này, có đến 1/4 là người ngoại quốc.
Những xa xỉ phẩm cho khách hàng Năm Rồng
Như đã nói ở trên, con rồng là tượng trưng cho quyền thế và giàu sang. Cho nên, những nhà giàu ở châu Á cũng thích thể hiện sự giàu sang ấy qua những chiếc xe hạng sang, những túi sách đắt tiền, …
Các công ty chuyên sản xuất xa xỉ phẩm đã đua nhau chào mời khách nhà giàu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Chẳng hạn như hãng Roll-Royce nhân dịp này đã tung ra một kiểu xe mang tên Dragon Phantoms, sản xuất với số lượng hạn chế, với những con rồng vàng vẽ bằng tay hai bên thân xe và rồng thêu trên đồ tựa đầu bằng da. Giá kiểu xe này lên tới hơn gần 1 triệu đôla một chiếc, nhưng chỉ trong tám tuần kể từ khi được tung ra thị trường vào mùa hè vừa qua ở Trung Quốc, tất cả đều được bán sạch, Rolls Royce có thể phải sản xuất thêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hãng Versace thì tung ra một kiểu túi sách tay cũng với những hình tượng rồng vàng, giá bán 31.800 đôla Hồng Kông ( 3.100 euro ), với số lượng giới hạn ( 210 chiếc ) với hy vọng sẽ chinh phục thêm khách nhà giàu ở châu Á trong năm Nhâm Thìn này.
Hãng ST Dupont thì chào mời những bật lửa và cây bút có chạm khắc hình con rồng và gắn 88 hột xoàn nhỏ, vì đối với người Hoa, số 8 là số hên. Còn công ty sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ Piaget thì tung ra kiểu đồng hồ Dragon để thu hút thêm khách Trung Quốc. Giới phân tích dự báo là thị trường xa xỉ phẩm ở Trung Quốc sẽ tăng mỗi năm 18%, lên đến 28 tỷ đôla năm 2015 và như vậy là Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật Bản về tiêu thụ xa xỉ phẩm.
Theo rfi