Ý: Thu thập chữ ký đòi Trung Quốc bồi thường 100 tỷ USD tổn thất vì dịch bệnh
Mấy ngày trước, nước Ý đã thiết lập một trang web thu thập chữ ký để truy cứu trách nhiệm và bắt Trung Quốc phải bồi thường vì đã che giấu dịch bệnh, dự tính sẽ có khoảng 500 ngàn người tham gia ký tên, số tiền đòi bồi thường có thể vượt quá 100 tỷ USD.
Hãng tin Adnkronos của Ý nói rằng, tổ chức phi lợi nhuận OnEurope của Ý đã dẫn đầu phát động hành động yêu cầu bồi thường từ phía chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vào ngày 21/4, Ý đã thành lập một trang web thu thập chữ ký để “kiện tập thể đòi Trung Quốc (ĐCSTQ) phải bồi thường”.
Ferdinando Perone, quản trị viên của trang web cho biết, theo Quy định Y tế Quốc tế, bất kỳ quốc gia nào phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vòng 24 giờ, chính quyền ĐCSTQ đã không làm được việc này nên phải chịu trách nhiệm.
Perone nói rằng, trang web này dự kiến sẽ thu thập chữ ký vào tháng 4 và tháng 5, và sẽ có các hành động pháp lý vào tháng 6. Ông ước tính số lượng người tham gia sẽ vượt quá 500 ngàn người, và số tiền mà ĐCSTQ phải bồi thường có thể sẽ hơn 100 tỷ USD.
Ngoài ra, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Codacons và khách sạn bốn sao “Hotel De La Poste” gần 200 năm lịch sử của Ý cho biết, họ cũng sẽ đệ đơn kiện chính quyền ĐCSTQ.
Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Carlo Rienzi cho biết, vì các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng của Ý chưa hoàn chỉnh, họ đang nghiên cứu cùng với các công ty luật của Mỹ, dự định sẽ nộp đơn kiện tại Mỹ để toàn thế giới đều có thể tham gia.
Tờ báo thương mại lớn nhất của Ý “Il sole 24 Ore” đưa tin, khách sạn “De La Poste” gần 200 năm lịch sử ở Cortina d’Ampezzo, phía Bắc nước Ý, đã đệ đơn trình lên tòa án Ý yêu cầu Bộ Y tế ĐCSTQ phải bồi thường.
Khách sạn kiện chính quyền ĐCSTQ vì đã trì hoãn thông báo về tình hình dịch bệnh cho WHO, khiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng ở miền Bắc nước Ý. Trận chung kết World Cup trượt tuyết dự kiến sẽ được tổ chức tại đây vào tháng 3 đã bị hủy bỏ. Trước đó khách sạn đã được đặt kín phòng, nhưng vì dịch bệnh mà đã bị tổn thất nặng nề. Khách sạn rêu cầu chính quyền ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Cũng trong ngày 21/4, chính quyền bang Missouri, nước Mỹ đã đệ đơn kiện dân sự đối với chính quyền ĐCSTQ lên Tòa án Liên bang, yêu cầu chính quyền ĐCSTQ phải bồi thường cho những thiệt hại to lớn mà bang này đã phải gánh chịu do dịch bệnh gây ra.
Đây là lần đầu tiên Mỹ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, và đây cũng là cơ quan chính phủ đầu tiên trên thế giới truy tố ĐCSTQ về vấn đề dịch bệnh.
Từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, tại Mỹ đã có hơn 900 ngàn người bị lây nhiễm và hơn 50 ngàn người bị tử vong, gây tổn thất lớn cả về tinh thần và kinh tế cho người dân Mỹ.
Trước đó, người dân ở các bang của Mỹ như Florida, Texas, California và Nevada đều đã đệ đơn kiện chính quyền ĐCSTQ vì những thiệt hại do virus Vũ Hán gây ra.
Làn sóng đòi bồi thường từ ĐCSTQ đang lan rộng khắp thế giới. Chính phủ và các nhân sĩ ở Anh, Úc, Ấn Độ và các nước khác gần đây đã đưa ra yêu cầu ĐCSTQ phải có trách nhiệm giải trình và bồi thường.
Hiệp hội Henry Jackson – Viện chính sách phe bảo thủ của Anh, vào ngày 5/4 đã tuyên bố rằng, dịch bệnh lần này đã khiến cho các nước G7 bị tổn thất khoảng 3,2 ngàn tỷ bảng Anh. Hiệp hội Henry Jackson đã kiến nghị chính phủ các nước thông qua tòa án quốc tế, tòa án trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc đòi ĐCSTQ phải bồi thường.
Thượng nghị sĩ Alex Antic của Đảng Tự do Nam Úc tại Úc cho rằng, chính phủ Úc nên bắt ĐCSTQ phải bồi thường, hãy để ĐCSTQ đền bù cho Úc những tổn thất do dịch bệnh gây ra.
Antic nói rằng, dịch bệnh lần này đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn cho người dân và nền kinh tế của các quốc gia khác nhau, cùng nhau đòi ĐCSTQ bồi thường là việc mà các nước phải cùng nhau thảo luận: “Các nước cùng nhau liên hợp lại, gây áp lực lên ĐCSTQ”, “Đây không phải chỉ là vấn đề tiền bạc, đây còn là vấn đề trách nhiệm”.
Ashish Sohani, một luật sư của Ấn Độ gần đây đã khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế, lên án Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng 4 quan chức của ĐCSTQ vì nghi ngờ đã che giấu tình hình dịch bệnh, tạo thành tổn thất to lớn cả về sinh mạng và kinh tế trên toàn cầu, yêu cầu chính quyền ĐCSTQ phải bồi thường cho nhân dân và chính phủ Ấn Độ 2,5 ngàn tỷ USD. Ashish Sohani lên án mạnh mẽ hành vi che giấu dịch bệnh của chính quyền ĐCSTQ, ông nói đây là một tội ác phản nhân loại.
Trường đại học Southampton của Anh vào tháng 3 đã công bố một nghiên cứu cho thấy, nếu chính quyền ĐCSTQ có hành động sớm hơn 3 tuần để đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán, thì mức độ lan truyền trên toàn cầu có thể giảm tới 95%.
James Kraska, giáo sư Luật Quốc tế của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ gần đây đã nói với VOA rằng, ĐCSTQ đã làm trái với “Điều lệ Y tế Quốc tế”, “Tay bọn họ đã nhúng chàm”. Truy cứu trách nhiệm đó chính là vấn đề đạo đức, và cũng là để ngăn chặn một đại dịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Minh Huy (Theo NTDTV)