Ý nghĩa tục“lì xì” đầu năm của các nước phương Đông
Lì xì hay còn gọi là “mừng tuổi” đầu năm là một nét đẹp văn hóa của nước ta và một số các nước phương Đông. Người ta thường bỏ tiền mừng tuổi một cách ý nhị vào phong bao lì xì để mừng tuổi cho trẻ em và cả người cao tuổi, ý nghĩa của lì xì là để cho đi những lời chúc may mắn cho năm sau, mừng thêm tuổi mới.
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Thế nên, nhận được lì xì là nhận được may mắn, tốt lành vào ngày đầu năm.
Ý nghĩa của việc trao và nhận lì xì không phụ thuộc vào số tiền mừng tuổi mà quan trọng là tấm lòng, lấy làm lộc đầu năm được trao đi. Đựng tiền trong phong bao vừa kín đáo lại tế nhị, tránh đi sự so bì không đáng có.
Việc lì xì cho trẻ em là thể hiện sự yêu thương, là lời chúc may mắn, mong các con, các cháu sang năm mới luôn khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Người già nhận lì xì cùng lời chúc sức khỏe của con cháu, năm mới sẽ vẫn luôn mạnh khỏe, bách niên giai lão.
Phong tục không chỉ giới hạn trong ba ngày Tết là còn có thể kéo dài đến hết ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng.
Tuy nhiên ngày nay, lì xì không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng mà ngay cả bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên với nhân viên cũng thường lì xì cho nhau cùng lời chúc kèm theo, chúc sang năm mới, mọi chuyện luôn được như ý, thành công, phát đạt.
Sự khác biệt về phong tục lì xì giữa các quốc gia châu Á
Ở Singapore, ngoài việc lì xì những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2 – 20 đô la Sing thì bao lì xì còn có thể đựng cả voucher giảm giá, vé xe, tem, ngân phiếu, tiền xu, phiếu ăn nhà hàng hay cả vé du lịch.
Tại Trung Quốc, phong bao lì xì được gọi là “hồng bao”, đúng như tên gọi của nó, người ta dùng bao lì xì màu đỏ để mừng tuổi cho trẻ em, người già. Người Trung Quốc luôn tránh con số 4 trong mệnh giá tiền khi lì xì vì số 4 được cho là điềm gở.
Phong tục lì xì (Otoshidama) Nhật Bản khác biệt khi phong bao lì xì của họ không nhất thiết là màu đỏ như rất nhiều quốc gia khác mà có màu chủ đạo là trắng, trên phong bao có in hoa văn và những hình vẽ ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc tươi sáng, bên ngoài còn ghi kèm tên người nhận. Số tiền trẻ em được nhận thường tương đương với số tuổi của các em, nhằm để trẻ em biết cách tự quản lý tiền bạc, sắp xếp chi tiêu hợp lý.
Tại đất nước Hàn Quốc, người dân cũng ưa chuộng bao lì xì màu trắng và bên ngoài phong bao cũng ghi cả tên người nhận như Nhật Bản.
Những người Mã Lai theo đạo Hồi giáo sống ở Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei cũng đã sớm hưởng ứng phong tục lì xì cho trẻ em và người già vào Tết Eid al-Fitr của người đạo Hồi. Nhưng họ dùng phong bao màu xanh lá cây thay vì màu đỏ như chúng ta. Người Hồi giáo rất phóng khoáng trong việc trao tặng bao lì xì, các gia đình thường chuẩn bị thật nhiều những phong bao để lì xì cho khách đến nhà rồi đi chúc Tết các nhà khác. Ngay cả những người thân, bạn bè không thể gặp mặt thì người Hồi giáo cũng gửi phong bao màu xanh tới tận nhà.
Cộng đồng người theo đạo Hindu Ấn Độ hay một số nơi ở Singapore và Malaysia, người dân sử dụng phong bao lì xì màu tím hoặc vàng.
Mạch Khê (t/h)