Ý kiến trái chiều về quy định vượt đèn vàng phạt 300 nghìn đến 2 triệu
Từ 1/8, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe hơi vượt đèn vàng chịu mức phạt từ 1,2 – 2 triệu đồng. Đối với người đi môtô, xe máy vượt đèn vàng phạt từ 300.000 – 400.000 đồng. Quy định này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Người ủng hộ, người dè chừng
Bạn Coolforte trên diễn đàn otosaigon cho biết: “Quy định kiểu này, nhiều bác tài xe hơi lẫn xe máy bị phạt oan. Trên thực tế, nhiều trụ đèn giao thông không có hiển thị số, làm sao biết khi nào đèn chuyển tín hiệu từ xanh sang vàng”.
Không chỉ đồng tình với ý kiến trên, bạn Adng cùng diễn đàn giải thích thêm: “Khi lưu thông ở tốc độ 40-50 km/h, xe hơi có hiện tượng chạy quá vạch dừng nếu phanh gấp do tín hiệu đèn chuyển đột ngột. Ngoài ra, một số xe bị lết bánh, đâm mạnh vào đuôi xe trước. Các loại xe máy lớn như SH, phanh đột ngột cũng làm mất tay lái và ngã”.
Khi được hỏi về vấn đề này, anh T.Q.Sang – một tài xế xe du lịch hơn 10 năm kinh nghiệm – bức xúc: “Trước giờ, đèn vàng để người điều khiển phương tiện không khỏi bất ngờ khi đèn hiệu chuyển từ xanh sang đỏ. Tại những trụ đèn có chỉ số đếm còn đỡ, riêng những trụ đèn không hiển thị số, người lái có nước kêu trời”.
Nếu quy định về mức phạt lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ, đồng thời không đảm bảo tất cả các trụ đèn hiển thị chỉ số đếm… thì bỏ luôn đèn vàng cho rồi. Đây là ý kiến của phần lớn dân lái ôtô đồng tình.
Nhiều hiến kế “độc đáo”
“Do sợ bị phạt, nhiều bác tài dè chừng tốc độ khi chạy qua các giao lộ, dẫn đến tình trạng bối rối trong việc điều khiển phương tiện giao thông, sẽ xảy ra bất kỳ tai nạn nào. Để tránh tình trạng đèn vàng chuyển đột ngột tại các trụ đèn không có hiển thị số, đèn xanh nên nhấp nháy cỡ chục lần để bác tài có thời gian giảm tốc”, anh Lộc điều hành công ty vận tải trên đường D2 (Q.Bình Thạnh) hiến kế.
Nhiều bạn du học sinh, tiếp xúc nền giao thông các nước tiên tiến như Úc, Mỹ, có chung ý kiến với anh Tuấn – một du học sinh ở Úc: “Nếu xử phạt như vậy, đèn vàng mất ý nghĩa, nó chẳng khác gì đèn đỏ. Vậy nên chỉ cần 2 đèn: xanh và đỏ. Cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ vấn đề, xe chạy 80 km/h thì 1 giây sẽ đi được mấy mét, khi nhìn thấy đèn và phanh mất bao nhiêu giây, khi phanh thì di chuyển bao nhiêu mét xe dừng hẳn… từ đó mới đưa ra được những giải pháp tối ưu cho người điều khiển phương tiện giao thông”.
Chị Hà Phương (ngụ tại quận 1) cũng như một số bạn cho rằng tại các giao lộ lớn nên có thêm cột đèn tín hiệu có màu khác, chẳng hạn như tím, hồng… được lắp ở những vị trí dễ thấy, cách trụ đèn giao thông vài mét. Đèn này có tác dụng cảnh báo đèn xanh sắp chuyển sang vàng, để người điều khiển phương tiện biết đường giảm tốc cho phù hợp.
Để thực hiện đúng tinh thần răn đe nhằm nâng cao ý thức người dân, việc truy thu tiền phạt cũng nên có hướng đi mới, tránh những tiêu cực về sau là vấn đề khá được nhiều người quan tâm trong quy định mới này.
“Tôi cho rằng vấn đề này không nằm ở lý thuyết mà chú trọng thực tế hơn. Để đảm bảo việc xử phạt đúng quy định pháp luật, người bị phạt được phép đóng qua đường bưu điện, tránh các tình trạng nhũng nhiễu đôi co giữa hai bên”, bạn Đ.N. phụ trách một diễn đàn xe chia sẻ.
Theo tuoitre