Xung đột nội bộ, ISIS hành quyết 15 chiến binh
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan, đã chặt đầu 15 chiến binh của nhóm này sau cuộc xung đột nội bộ.
Phát ngôn viên của thống đốc tỉnh Nangarhar – Attaullah Khogyani cho biết, 15 chiến binh ISIS đã bị xử tử tại chợ Surkh Ab của quận Achin sau cuộc xung đột giữa nội bộ nhóm này.
Thông tin chi tiết về vụ việc chưa được công bố thêm do ISIS hiện không đưa ra xác nhận. Chi nhánh của ISIS tại Afghanistan có tên là Nhà nước Hồi giáo tại Khorasan. Khorasan là từ để ám chỉ một khu vực cổ đại bao gồm Afghanistan ngày nay.
Taliban và ISIS thường xuyên đụng độ tại Nangarhar và cả hai đều là mục tiêu trong các cuộc không kích liên tục của Mỹ. Tuy nhiên, thực chất quan hệ giữa 2 nhóm vẫn còn là điều bí ẩn. Chiến binh của 2 nhóm dường như đã có lúc hợp tác trong một số vụ việc ở Afghanistan.
Theo các tài liệu tình báo Afghanistan do Reuters thu thập hồi đầu năm 2017, các quan chức an ninh tin rằng Nhà nước Hồi giáo hiện có mặt ở 9 tỉnh, từ Nangarhar và Kunar ở phía Đông đến Jawzjan, Faryab và Badakhshan ở phía Bắc và Ghor ở phía Tây.
Từ năm 2015, Nangarhar trở thành trung tâm bất ổn cho ISIS và các nhóm chiến binh khác trên biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.
Cùng ngày 23/11, một quả bom đã phát nổ tại thủ phủ Jalalabad của Nangarhar làm ít nhất 8 người thiệt mạng. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy lực lượng nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo là một nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan dòng Sunni có mục tiêu tối hậu là thiết lập một “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) thống nhất toàn Trung Đông. Mầm mống của ISIS hình thành từ khi cuộc chiến tranh tại Iraq nổ ra (2003), nhưng đến tháng 6/2014, ISIS mới có tên như hiện nay sau khi Abu Bakr al-Baghdadi trở thành lãnh đạo tối cao. Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, ISIS tuyên bố lãnh thổ của họ bao gồm Iraq và Syria, với dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai bao trùm cả khu vực Levant, tức cả Lebanon, Israel, Jordan, Syria, Cyprus và một phần Thổ Nhĩ Kỳ.
Tú Văn (t/h)