Xuất thân ăn mày, người đàn ông vượt lên số phận trở thành 1/10 thanh niên xuất sắc nhất cả nước
Anh hùng không sợ xuất thân thấp hèn, một người ăn xin ở Đài Loan đã thay đổi cuộc đời thông qua nỗ lực không ngừng, trở thành một trong 10 thanh niên xuất sắc hàng đầu Đài Loan năm 1999. Ông đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho những người có xuất thân bần hàn như mình cố gắng vươn lên.
Hoàn cảnh trăm đắng ngàn cay của một người ăn mày
Đó chính là Lại Đông Tiến, sinh năm 1959, tại Đông Thế, Đài Trung, Đài Loan. Ông sinh ra trong một gia đình bần hàn. Bố ông bị mù hoàn toàn và là một người ăn xin, còn mẹ ông là người thiểu năng có chỉ số IQ 58. Ba mẹ ông sinh 12 người con, vì là anh cả nên ông gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, tất cả người nhà đều dựa vào việc ông đi xin ăn mà sống qua ngày. Trong quá trình trưởng thành của mình, ông không có nhà ở cố định, thường hay tá túc ở những ngôi miếu bỏ hoang hay nghĩa địa….
Trước lúc 10 tuổi, ông theo cha đi ăn xin kiếm sống. Vì ông phải lo kế sinh nhai cho cả gia đình, nên phải đi trên đường xin từng người một, dù trời mưa hay gió lớn ông cũng chưa từng ngừng nghỉ. Vì ông biết nếu ông không đến từng nhà để xin ăn thì người nhà của ông sẽ chết đói.
Nhưng không phải lúc nào ra ngoài xin ăn cũng có người bố thí, có lúc không xin được gì, ông phải uống nước dưới mương và dành đồ ăn với chó. Đến tối muốn tìm chỗ nghỉ lưng cũng không dễ dàng gì, không người nào muốn cho ông nằm dưới mái hiên nhà họ để ngủ cả, ngay cả một chủ nhà tốt tính nhất cũng không chịu được mà phải nói: Xin người thương tình, làm ơn đừng ngủ trước cửa nhà tôi được không? Bởi vì người ông quá dơ bẩn và hôi thối, khiến ruồi nhặng bu đầy, nên không tốt cho việc mở cửa buôn bán, khiến người khác xa lánh.
Ông nói rằng chỉ có một nơi không có ai đuổi ông đi, đó chính là nghĩa trang, ông nói: “Chỉ có mình tôi đến đó ngủ nên không có ai đuổi tôi đi”. Nhưng ông không gục ngã. Cuộc đời éo le đã thôi thúc ông sống sót và chiến thắng nó.
Ông viết trong cuốn ‘Đứa trẻ ăn xin’ rằng: “Trong cơn mưa, tôi tự nhủ: Ta đến từng nhà từng nhà gõ cửa, có bị mắng hay bị sỉ nhục ta cũng không sợ. Nhà này không được thì ta đến nhà khác, ta nhất định phải mang thức ăn trở về, tất cả những thứ muốn đánh bại ta thì chỉ có thể làm ta kiên cường hơn mà thôi!.”
Nghị lực phi thường vượt lên số phận
Khi ông 10 tuổi, ông và cha ông đến một ngôi làng để xin ăn, một ông bác đã hỏi ông: “Cậu bạn nhỏ, cậu đã đi học chưa?” Câu nói này thậm chí nghĩ thì ông cũng chưa từng nghĩ tới. Nhưng cũng chính vì câu nói đó mà ông có cơ hội được đến trường, chị của ông cũng chính vì nguyên nhân này mà bị bán vào nhà chứa, để lấy tiền đóng học phí cho ông.
Lại Đông Tiến đến trường muộn hơn một năm so với những đứa trẻ cùng tuổi, khi còn học tiểu học, ông đã phải dậy từ 4, 5 giờ sáng để nấu ăn và giặt giũ. Khi vào trung học, ông ấy ban ngày đến lớp, ban đêm và ngày nghỉ phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống gia đình.
Ông viết: “Dù gặp phải bao nhiêu khó khăn, chông gai, chỉ cần chúng ta có dũng khí, nhất định có thể vượt qua số phận.”
“Ăn không ngon cũng không sao! Ngày nào cũng vậy, dù phải ăn đồ thừa hôi thối, thì chỉ cần được đi học thì còn gì bằng?
Lại Đông Tiến đương nhiên cũng không phụ sự kỳ vọng của chị gái, thành tích học tập của ông luôn nằm trong top những người dẫn đầu, và mãi mãi là vị trí đầu tiên. Từ khi còn nhỏ, Lại Đông Tiến đã đạt được hơn 80 giải thưởng khác nhau. Ngoài thành tích học tập tốt, khả năng mỹ thuật và thư pháp của ông cũng thuộc hàng xuất sắc. Về thể thao, đặc biệt là môn điền kinh, ông cũng vô cùng nổi trội, có thể là vì lúc nhỏ ông và các em của mình ngày ngày đều phải chạy trốn cảnh sát ở chợ đêm, hay chạy thoát khỏi sự truy đuổi từ bầy chó hoang…. mà có kinh nghiệm.
Vì gánh nặng gia đình, mặc dù Lại Đông Tiến cũng muốn giống như các bạn học khác là “học cấp 3, học đại học”, nhưng sau khi nghĩ lại, cuối cùng ông đã từ bỏ ước mơ, chuyển sang làm công nhân nông nghiệp ở Vụ Phong, vừa học vừa làm. Đến khi nghe tin các bạn cùng lớp trúng tuyển vào các trường cấp 3 và đại học nổi tiếng thì ông cảm thấy hơi buồn.
Gặt hái thành quả
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lại Đông Tiến đầu quân cho Công ty thiết bị phòng cháy chữa cháy Trung-Mỹ. Vào thời điểm đó, tính cả ông chủ và nhân viên thì công ty này chỉ có ba người. Lại Đông Tiến đã dốc sức làm việc chăm chỉ, cẩn thận, tỉ mỉ. Thuận theo sự phát triển của công ty, ông từ một nhân viên nhỏ bé đã lên đến chức giám đốc sản xuất kiêm giám đốc nhà máy, quản lý hơn 50 nhân viên.
Khi ông 35 tuổi, ông gặp một cô gái tên là Lệ Hà qua sự giới thiệu của bà chủ cửa hàng trái cây lạnh, cô ấy nhỏ hơn ông 3 tuổi, xinh đẹp và chăm chỉ. Tuy nhiên, vì bối cảnh gia đình của ông, mà bố mẹ cô gái kiên quyết phản đối việc họ ở bên nhau, nhưng sau một năm rưỡi kiên trì, bố mẹ cô đã đồng ý cuộc hôn nhân của đôi trẻ. Họ đã trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc mỹ mãn, có hai đứa con xinh xắn và có một cuộc sống tốt đẹp.
Dù trải qua nhiều đắng cay, nhưng ông chưa bao giờ oán trách cha mẹ mình, ông viết: “Báo hiếu cha mẹ phải kịp lúc, biết trân quý hết thảy thời gian hiện có. Cho đến hôm nay, tôi chưa bao giờ ghét họ, và cũng chưa bao giờ phàn nàn về họ.”
Ông từng được bầu chọn là thanh niên kiểu mẫu của thị trấn Ô Nhật, một hình mẫu về lòng hiếu thảo ở huyện Đài Trung, và được bầu là một trong 10 thanh niên xuất sắc hàng đầu của Trung Hoa Dân Quốc năm 1999. Ông nói: “Tôi không muốn làm một kẻ ăn mày, tôi muốn làm người dẫn đầu”.
Năm 2000, cuốn tự truyện “Đứa trẻ ăn xin” do ông viết được xuất bản, cuốn sách mô tả lại toàn bộ quá trình trưởng thành và nỗ lực của ông.
Trong cuốn sách có đoạn tái bút: “Cuối cùng tôi có thể nói: Cảm ơn các bạn, tôi đã không phụ sự kỳ vọng của mọi người về tôi! Ông trời không tuyệt đường người, quá khứ thống khổ, ủy khuất, tra tấn, từng bước đi trong đêm dài đen tối đầy chông gai, để rồi cuối cùng đến ngày hôm nay, tôi đã nhìn thấy hy vọng và bước ra con đường riêng của chính mình. Tôi sẽ không chỉ làm việc chăm chỉ hơn, mà còn dũng cảm hơn, mạnh mẽ hơn để sống rực rỡ hơn, tốt đẹp hơn. Cuốn sách cuộc đời sắp bắt đầu, còn cuốn “Đứa trẻ ăn xin” này chỉ là sự khởi đầu. Ngòi bút của tôi sẽ không dừng lại, tôi sẽ tiếp tục viết.”
Tử Vi (t/h)