Xỉa răng sai cách, người đàn ông suýt chết vì nhiễm trùng tim
Nghe có vẻ khó tin nhưng người đàn ông tên Adam Martin, 41 tuổi, người Anh đã suýt mất mạng chỉ vì xỉa răng sai cách khiến nhiễm trùng tim. Martin sau đó đã phải thực hiện một ca đại phẫu để chữa trị và may mắn qua khỏi cơn nguy kịch.
Theo đội ngũ y tế, trước đó Martin đã ăn bỏng ngô và một mảnh nhỏ trong thức ăn đã kẹt vào các khe răng khiến anh rất khó chịu. Sau đó để cố loại bỏ những mảng bám do bỏng ngô để lại, anh đã dùng các vật dụng không chuyên, bao gồm tăm, nắp bút, sợi dây và đinh để cạy mảng bám dính trên răng.
Một khoảng thời gian sau, anh dần bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu và đổ mồ hôi vào buổi tối, nên đã nhanh chóng tìm đến bác sĩ.
“Các bác sĩ nói với tôi rằng nếu tôi không đến khám kịp thời thì tôi có thể đã chết chỉ trong ba ngày”, Martin chia sẻ.
Các bác sĩ phát hiện tim của anh đập yếu, đồng thời qua xét nghiệm máu cũng cho thấy dấu hiệu bộ phận này bị nhiễm trùng nên đã kê một đơn thuốc cho anh.
Một lát sau thì một đốm hồng nhẹ xuất hiện trên ngón chân, kết hợp với các biểu hiện của nhịp tim đã chẩn đoán trước đó, Martin được cho đã mắc chứng tổn thương Janeway – một dấu hiệu cho thấy tim đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
Chưa đầy 2 tuần sau khi khám, tình trạng của Martin dường như vẫn không thuyên giảm. Anh thường bị mất ngủ và đau ở chân, sau đó Martin đã phải quay trở lại phòng khám thêm một lần nữa.
Kết quả cho thấy vết nhiễm trùng đã quá nặng không thể dùng thuốc kháng sinh để chữa trị. Martin buộc phải đối mặt với 2 ca đại phẫu để thay thế van động mạch chủ đã bị hỏng, đồng thời sửa van hai lá và vá lại một ổ áp xe ở tim.
“Tim tôi đã không còn hoạt động bình thường nữa. Nó thực chất đang bị hủy hoại. Vùng nhiễm trùng đã ăn mòn các van tim”, anh cho biết.
Sau 2 cuộc đại phẫu căng thẳng, Martin cuối cùng đã dần hồi phục với một van tim mới. Anh cũng cho biết mình rất hối hận khi đã cố lấy miếng bỏng ngô bị mắc trong răng ra.
“Nếu có bất kỳ dấu hiệu đau răng, chảy máu nướu hay áp xe, hãy đi khám ngay lập tức”, Helen vợ của anh cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích trên Facebook.
“Và chúng ta cũng nên đi khám càng sớm càng tốt nếu gặp phải những ‘triệu chứng giống như cảm cúm. Nếu vết nhiễm trùng của Adam được phát hiện sớm hơn thì anh ấy đã có thể được điều trị bằng kháng sinh. Phần nướu trong miệng chính là con đường để vi khuẩn xâm có thể nhập nhanh chóng vào tim bạn!”.
Cứ 100.000 người sẽ có từ 2 đến 8 người bị nhiễm trùng tim hàng năm
Theo các bác sĩ, nướu là những lớp mô mỏng chứa đầy các mạch máu. Vì thế chỉ cần một vết thương nhỏ tại vùng này cũng đủ để tạo điều kiện cho mầm bệnh dễ dàng xâm nhập.
Chúng ta cần biết ngay cả chiếc miệng sạch sẽ nhất của một người vẫn là nơi sinh sống của ít nhất 700 loài vi khuẩn, trong đó có rất nhiều chủng loại mà chúng ta ít biết đến.
Hầu hết các vi sinh vật muốn đi vào cơ thể trước tiên cần phải vượt qua được những bộ phận bảo vệ bên ngoài như lớp da v.v. nhưng sau khi vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thì vẫn phải đối diện với hệ miễn dịch.
Nhưng dù là vậy thì thực tế cũng có những vi khuẩn có thể đánh lừa các tế bào bạch cầu để dễ dàng xâm nhập vào hệ tuần hoàn trong cơ thể người, mà khi đó các nếp gấp và kết cấu của tim chính là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn di cư đến và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến một tình trạng gọi là viêm nội tâm mạc.
Khi này nếu cơ thể người không được điều trị nhanh chóng bằng kháng sinh thì cơ tim và van mô sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng và để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Theo một khảo sát cứ 100.000 người sẽ có từ 2 đến 8 người bị nhiễm trùng tim hàng năm. Tỷ lệ sống sót không thực sự lớn, với nguy cơ tử vong nhanh chóng từ 10% đến 30%, trong đó Martin là một trong những trường hợp may mắn có thể chữa khỏi được.
Thanh Thiên (theo Science Alert)