Xét xử giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải từ ngày 6/5
Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, sẽ diễn ra từ ngày 6-8/5/2020.
Theo thông tin từ Viện kiểm soát nhân dân tối cao, từ ngày 6 đến 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên xử giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải (34 tuổi), bị tuyên tử về tội Giết người và Cướp tài sản.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm Chủ tọa phiên tòa. Ngoài các thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao còn mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa cho phạm nhân.
Trước đó, vào tháng 11/2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại, hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND Long An và phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội Giết người, Cướp tài sản, để điều tra lại và đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án.
Diễn tiến vụ án
Vụ án Hồ Duy Hải là một trong những vụ án hình sự nổi tiếng ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13/1/2008 tại bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt.
Năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An diễn ra phiên tòa xử sơ thẩm, và tiếp đó là phiên tòa phúc thẩm năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình. Tuy nhiên, gia đình và bản thân tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan.
Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình ra quyết định không kháng nghị vụ án.
Năm 2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét giải quyết đảm bảo đúng pháp luật vụ án từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2019.
Sai phạm và uẩn khúc
Bà Lê Thị Nga, đương thời là Phó Chủ nhiệm và hiện tại là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, và đã viết một báo cáo dài 10 trang gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước và lãnh đạo các cơ quan tố tụng, đã đề ra 4 căn cứ để kháng nghị hai bản án.
Một là việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ. Hai là, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Ba là, có sự vi phạm nghiêm trong trong tố tụng, điều tra, xét xử. Và thứ 4 là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng bộ luật hình sự.
Cụ thể, một số sai phạm trong quá trình điều tra, tố tụng có thể kể ra như:
Kết tội dù không có vật chứng, chỉ dựa vào lời khai bất nhất (lúc nhận tội, lúc kêu oan) của bị cáo. Ví như, con dao được VKSND tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người là do nhân chứng Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao nộp cho Ban Công an xã và khẳng định “nó giống với con dao đã mất” tại hiện trường.
Bóp méo lời khai của nhân chứng. Cụ thể, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Đinh Vũ Thường khai: “nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được”. Nhưng khi xét xử, tòa đã không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường tham gia phiên tòa và bản cáo trạng lại viết: “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” tại thời điểm gây án.
Các luật sư không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án, nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, vật chứng bị thiêu hủy… Đồng thời lại bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường, không giám định thời điểm chết của nạn nhân.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Đạt cho rằng, việc tòa chỉ định luật sư Võ Thành Quyết là không phù hợp, tại khoản 2 Điều 57B BLTTHS, không phù hợp Điều 57 BLTTHS, vi phạm Thông tư liên tịch của bộ Tài chính – bộ Tư pháp số 66/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 19/06/2007.
…
‘Vụ án đã vượt khỏi biên giới Việt Nam’
Vào hôm 23/10 vừa qua, một bức thư do Tổng thư ký Ân xá quốc tế Na Uy-John Peder Egenaes ký tên đính kèm cùng với chữ ký của 25.543 người được gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham gia kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải; đồng thời kêu gọi một quy trình tái xét xử công bằng cho Hồ Duy Hải.
Tối ngày 3/12, Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), lên tiếng với RFA về thông tin liên quan diễn tiến mới trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải:
“Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra thông cáo hủy bỏ bản án của Hồ Duy Hải và yêu cầu phải điều tra lại thì đây là một tin hết sức tốt lành. Toàn thể những người làm việc ở Ân xá Quốc tế và tôi tin là những người đã tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi khi nhận được tin này cũng rất vui mừng.”
Theo đó, ông cho rằng đây là vụ án đã vượt khỏi biên giới quốc gia, mang tính chất quốc tế. Do đó, ông Sơn cho rằng chính quyền Việt Nam cần phải thật sự nghiêm minh trong khi tái điều tra, tái thẩm lại vụ án.
Tuy nhiên, dư luận xã hội gần đây đã dấy lên tranh cãi vì ông Nguyễn Hòa Bình từng là người quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này hồi năm 2011, nay lại là chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm thì liệu vấn đề công tâm có được đảm bảo hay không? Trước đó, ông này cũng từng bị chất vấn vì 5 đại án có nghi vấn oan sai năm 2015.
LS. Trần Hồng Phong, luật sư của tử tù Hồ Duy Hải nói: “Đúng từ mà nói, thì đó là sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói “thiếu sót” là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.”
Từ Thức (t/h)