Xem Tây du ký không nên chỉ biết đến Tôn Ngộ Không
Đối với nhiều thế hệ khán giả xem truyền hình tại Việt Nam thì ít có bộ phim nào đem lại sức hấp dẫn cho đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ như Tây Du Ký, và chắc chắn nhân vật Tôn Ngộ Không luôn để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho khán giả. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên bỏ qua những kiến thức thú vị khác trong bộ phim.
1. Phật giáo là Tôn giáo quan trọng nhất thời nhà Đường?
Xem phim Tây du ký, đa số người ta cho rằng Phật giáo là giáo phái quan trọng nhất thời nhà Đường. Trên thực tế, Đường Cao tổ Lý Uyên xếp thứ tự tam giáo như sau: Đứng đầu là Đạo, kế đến là Nho, cuối cùng mới là Phật. Thời nhà Đường, Đạo giáo có 1687 ngôi miếu, số Đạo sĩ đến cả vạn người. Trong số 198 công chúa thời nhà Đường mà Tân Đường thư không ghi chép lại đầy đủ, có 14 người đã trải qua đời sống của một Đạo sĩ. Những con số này là cao với bất kể triều đại nào, quốc gia nào, vì thế có thể khẳng định Đạo giáo là thịnh nhất vào thời Đường.
2. “Bát giới” là giới luật của hòa thượng?
Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái, Đường Tăng dựa theo “Bát giới” trong kinh điển Phật giáo để đặt tên. Vậy “Bát giới” là chỉ điều gì? “Bát giới” không phải giới luật của nhà tu mà là giới luật của tín đồ Phật giáo tu tại gia, bao gồm những điều cấm kỵ: Trộm cắp, sát sinh, dâm loạn, nói dối, ngủ giường cao rộng, trang điểm, xem múa hát và ăn sau giờ ngọ buổi trưa. Giới luật của Phật giáo rất nhiều, người tu phải tuân thủ nghiêm ngặt, còn người tu tại gia thực thi theo “Bát giới” cũng không phải dễ. Trong “Tây du ký”, Trư Bát Giới luôn phạm giới, tạo nhiều tình huống hài hước vui cười.
3. Vì sao “Quan Âm Bồ Tát” lại gọi là “Quan Thế Âm Bồ Tát”?
Chúng ta thường nghe nói “Quan Âm Bồ Tát”, cũng lại nghe nhiều người nói “Quan Thế Âm Bồ Tát”. Vì sao lại như vậy? Quan Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát trong kinh Phật. Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, những kinh Phật bằng tiếng Phạn được dịch sang tiếng Trung, trong đó có từ “Quan Âm Bồ Tát”. Tên dịch ban đầu là “Quan Thế Âm Bồ Tát”. Đến thời sơ Đường, để tránh chữ “Thế” (世) trong tên gọi của Đường Thái tông Lý Thế Dân, mới gọi tắt thành “Quan Âm Bồ Tát”.
4. Ý nghĩa của “Thích Ca Mâu Ni” là gì?
Tên gốc của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni là Siddhartha Gautama. Trước khi xuất gia Phật Thích Ca là người bộ tộc Sakya (Thích Ca), còn Muni (Mâu Ni) có nghĩa là “bậc trí tuệ”, Thích Ca Mâu Ni nghĩa là: “Bậc trí tuệ của bộ tộc Sakya”.
5. Vì sao gọi trụ trì chùa là “Phương trượng”?
Trong phim cũng như tiểu thuyết Tây du ký, chúng ta thường nghe gọi trụ trì các chùa là “Phương trượng”. Tên gọi này có nguồn gốc thế nào? Vốn là các tăng nhân thời cổ Ấn Độ ở cùng nhau trong chùa, còn phòng ở đa số là phòng vuông một trượng, người xưa gọi là “phòng Phương trượng”, dần dần biến đổi thành cách gọi nơi ở của trụ trì, sau đó thành cách gọi mang nghĩa kính trọng với người trụ trì của chùa hoặc Hòa thượng, cách gọi thông tục là “Phương trượng” hoặc “Phương trượng hòa thượng”.
6. “Điện Tam Bảo” là gì?
Tục ngữ có câu: “Không có việc không lên điện Tam Bảo” (vô sự bất đăng Tam Bảo điện). Vậy Tam Bảo điện là nơi nào? Tam Bảo điện là từ chuyên môn của Phật giáo. Tam Bảo tức là: Phật, Pháp, Tăng. Phật là chỉ Đức Phật, Pháp là chỉ kinh điển Phật giáo, Tăng là chỉ người tu hành. Tam Bảo điện là chỉ nơi tổ chức sinh hoạt của Phật giáo, ví dụ như Đại Hùng Bảo điện (chánh điện). Ngoài ra, nơi để sách kinh là Tàng Kinh các và tăng phòng là nơi người tu hành nghỉ ngơi. Chúng đều là những nơi tôn nghiêm quan trọng, người ngoài không thể tùy tiện vào. Vì thế, nếu không có việc gì quan trọng thì không được vào nơi Tam Bảo, từ đó có câu: “Vô sự bất đăng tam bảo điện”.
7. Tại sao gọi người xuất gia trong đạo Phật là “Hòa thượng”?
“Hòa thượng” không phải từ dịch trực tiếp từ tiếng Phạn mà là từ lịch sử sau này mới có, rồi “Hòa thượng” trở thành tên gọi chung cho người tu hành là nam giới. Trong tiếng Hán, “Hòa thượng” có nghĩa là “Hòa mục thượng hiền” (thuận hòa, trọng tài đức).
8. “Cứu một mạng người hơn xây 7 tầng phù đồ”, ở đây “Phù đồ” là gì?
“Phù đồ” (浮屠) là cách gọi khác của “Phật Đà” (佛陀), nguyên nhân là do việc dịch khác nhau, hai từ này trong tiếng Phạn viết là “Buddha”, gọi tắt là “Bud” (Phật- 佛). Ý nghĩa của “Phù đồ” (Phật Đà) là “Người giác ngộ”. Phàm là người tu hành viên mãn, tự thân đạt được giác ngộ hoặc giúp được người khác được giác ngộ, đều gọi là “Phù đồ”, tức “Phật”.
Chữ “Phù đồ” trong “hơn xây phù đồ bảy tầng” là do một sai lầm trong dịch thuật, dịch sai từ “Phật tháp” (佛塔) thành “Phù đồ” (浮屠), vì thế “Phật Đà” cũng chính là “Phù đồ”. Ý nghĩa của thành ngữ này chính là: “Cứu một mạng người hơn xây Phật tháp bảy tầng”. Trong giáo lý Phật giáo, cứu được một mạng người là việc công đức vô biên.
9. Tại sao “Cửu tuyền” chỉ cõi âm?
“Cửu tuyền” không phải là chín con suối, có thể hiểu nôm na là “con suối cực sâu”. Nói chung đó là một nơi xa xôi. Trước đây khi người ta đào giếng đến một độ rất sâu có thể gặp con suối (suối ngầm). Do đáy giếng có đất bùn nên khi nước suối chảy vào thì có màu vàng, vì thế mà gọi là “suối vàng”. Mọi người đều nghĩ “âm tào địa phủ” là một nơi rất sâu, vì thế dùng từ “suối vàng” để ví. “Cửu” (9) là số một chữ số lớn nhất, thời cổ đại có nghĩa là “hết sức, cực điểm, đứng đầu”, hai từ này kết hợp lại thành “cửu tuyền”, là danh từ dùng để chỉ cõi âm.
Theo Daikynguyenvn.com