Xác voi ma mút và tham vọng hồi sinh dã thú cổ đại
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới về nhân bản, những người tiên phong trong công trình nhân bản cừu Dolly đang tham vọng sử dụng tế bào đông lạnh của con voi ma mút để hồi sinh loài dã thú đã tuyệt chủng từ hàng ngàn năm trước.
Lớp lông mềm cùng với những thớ thịt được bảo quản gần như nguyên vẹn mở ra cơ hội lớn với các chuyên gia trong nỗ lực nhân bản vô tính voi ma mút từ những tế bào đã chết. Hiện tại, mẫu vật từ con voi ma mút con giống cái có tên là Yuka đã được gửi tới các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để hỗ trợ quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều nhận thấy rằng, không dễ dàng để nhân bản loài dã thú khổng lồ theo kỹ thuật mà họ đã sử dụng với chú cừu Dolly. Trên thực tế, dù cơ thể của voi ma mút con gần như nguyên vẹn sau 39.000 năm yên nghỉ dưới băng đá nhưng tất cả các tế bào trên cơ thể nó đã chết. Điều này khiến kỹ thuật nhân bản mà con người đang sở hữu trở nên bất lực. Bởi vậy, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhân bản vô tính đang nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra cách thức hoàn hảo nhất để hồi sinh loài voi ma mút từ những tế bào đã chết. Ở thời điểm hiện tại, xác chú voi ma mút con cần được bảo quản tốt nhất, nhằm tạo điều kiện cho các công nghệ nhân bản. Ngoài những thách thức về nguyên mẫu, việc thu thập trứng và tìm kiếm người mang thai hộ đối với loài voi ma mút cũng là một trong những thử thách hết sức khó khăn. Họ hàng gần nhất của voi ma mút là voi ngày nay cũng đang trong tình trạng nguy hiểm, khiến việc thu thập số lượng lớn trứng để hỗ trợ quá trình nghiên cứu thành trở ngại vô cùng lớn. Bên cạnh đó, nếu sử dụng loài voi để mang thai hộ, sự khác biệt về môi trường sống giữa voi ma mút và voi ngày nay khiến cá thể được nhân bản vô tính khó lòng sinh trưởng và phát triển tốt. Dễ dàng nhận thấy, voi mẹ sống quen với môi trường khô nóng không thể chăm sóc cho chú voi con với các gen di truyền phù hợp để sống trong điều kiện băng giá. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing