WHO ca ngợi Trung Quốc xử lý tốt bệnh dịch hạch, cảnh báo COVID-19 ‘lây qua khí dung’
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 7/7 đã lên tiếng ca ngợi Bắc Kinh vì xử lý tốt hàng loạt các ca dịch hạch – một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. WHO cũng thừa nhận có bằng chứng cho thấy COVID-19 lây truyền qua ‘khí dung’, sau khi các nhà khoa học kêu gọi cập nhật thông tin về cách virus lây truyền từ người sang người.
WHO nói Trung Quốc xử lý tốt các ca bệnh dịch hạch
“Dịch bệnh rõ ràng đang được Trung Quốc quản lý tốt và không tạo ra nguy cơ cao”, một quan chức của WHO cho biết.
Chính quyền địa phương ở Bayan Nur, nằm ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc đã gửi một cảnh báo về bệnh dịch vào hôm 5/7, một ngày sau khi một bệnh viện báo cáo một trường hợp bệnh dịch hạch được gọi là “Cái chết đen” trong thời Trung cổ.
4 ca khác đã được báo cáo vào tháng 11, bao gồm hai ca bệnh dịch hạch viêm phổi – một biến thể nguy hiểm hơn.
“Chúng tôi đang theo dõi các vụ dịch bùng phát ở Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ, hợp tác với chính quyền Trung Quốc và chính quyền Mông Cổ”, phát ngôn viên của WHO Margaret Harris nói.
Nếu không được điều trị bằng các loại kháng sinh, bệnh dịch hạch có thể gây tử vong đến 90% những người bị nhiễm. Bệnh dịch hạch viêm phổi có thể phát triển từ bệnh dịch hạch thông thường, sau đó dẫn đến nhiễm trùng phổi nghiêm trọng gây khó thở, đau đầu và ho khan.
Trung Quốc đã loại trừ phần lớn các ca lây lan bệnh dịch hạch, nhưng các ca nhiễm thỉnh thoảng vẫn được báo cáo, đặc biệt là trong số các thợ săn tiếp xúc với bọ chét mang vi khuẩn. Vụ dịch lớn nhất được biết đến xảy ra vào năm 2009, khiến nhiều người thiệt mạng ở thị trấn Ziketan thuộc tỉnh Qinghai trên cao nguyên Tây Tạng.
WHO phải chịu giám sát của quốc tế vì sự mù quáng đối với cách xử lý hời hợt dịch COVID-19 của Bắc Kinh, điều đó đã gây ra sự lây nhiễm cho hơn 11,6 triệu người, giết chết hơn nửa triệu người trên toàn thế giới tính đến hiện tại.
Tuy nhiên, WHO liên tục cảm ơn chính phủ Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, dành nhiều lời khen ngợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì sự minh bạch của nó. Tháng 3/2020, sau khi virus Corona bùng phát mất kiểm soát và lây lan sang nhiều nước khác, WHO mới tuyên bố virus này là đại dịch.
Ngày 6/7, Trung Quốc đã báo cáo một ca nhiễm mới ở Bắc Kinh, sau nhiều tuần che giấu thông tin về các ca tử vong.
WHO thừa nhận ‘bằng chứng” COVID-19 lây qua aerosol (khí dung)
Hôm 7/7, WHO đã thừa nhận bằng chứng về sự lây lan của coronavirus trong không khí, sau khi một nhóm các nhà khoa học kêu gọi cơ quan toàn cầu cập nhật thông báo về cách virus lây truyền từ người sang người.
Chúng tôi đang bàn luận về khả năng lây truyền qua không khí và khí dung, đó là một trong những phương thức gây nhiễm COVID-19”, Maria Van Kerkhove – lãnh đạo kỹ thuật nhà dịch tễ học phụ trách chuyên môn về đại dịch Covid-19 của WHO nói.
Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí – phế quản, viêm xoang mũi,… Khi xông hơi, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ bám dính vào lớp lông trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm.
Trước đây, WHO tuyên bố, virus gây bệnh COVID-19 lây lan chủ yếu qua các giọt nước nhỏ từ mũi và miệng của người nhiễm bệnh, rồi nhanh chóng thấm vào mặt đất.
Nhưng ngày 6/7, trong một bức thư ngỏ gửi đến cơ quan có trụ sở tại Geneva, được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases journal, 239 nhà khoa học ở 32 quốc gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy, các hạt virus trôi nổi trong không khí có thể lây nhiễm cho những người hít phải chúng.
Bởi vì những hạt nước bắn ra khi thở nhỏ hơn nên có thể tồn tại trong không khí, các nhà khoa học trong nhóm đã kêu gọi WHO cập nhật hướng dẫn của mình.
“Chúng tôi muốn họ thừa nhận bằng chứng này”, Jose Jimenez – một nhà hóa học tại Đại học Colorado, đồng thời là người đã ký thư nói.
“Đây chắc chắn không phải là một công kích nhắm vào WHO. Mà là một cuộc tranh luận khoa học, nhưng chúng tôi cảm thấy cần phải công khai, vì họ đã từ chối nghe bằng chứng sau nhiều cuộc trò chuyện”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva hôm 7/7, Benedetta Allegranzi – trưởng nhóm kỹ thuật về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng của WHO cho biết, có bằng chứng về sự lây truyền virus Corona trong không khí, nhưng điều đó vẫn chưa được khẳng định tuyệt đối.
“… Khả năng lây truyền qua không khí trong các môi trường công cộng là cao – đặc biệt là trong các điều kiện cụ thể như các nơi tập trung đông đúc, đóng kín, thông gió kém đều có nguy cơ, [và] không thể loại trừ”, cô nói.
“Tuy nhiên, bằng chứng cần phải được thu thập và giải thích, và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ điều này”.
Jimenez cho biết, trong lịch sử đã có một sự phản đối quyết liệt và rất gay gắt trong ngành y đối với khái niệm truyền khí dung. Mối quan tâm chủ yếu là nỗi sợ hãi khủng hoảng.
“Nếu mọi người nghe thấy việc lây truyền qua không khí, nhân viên y tế sẽ từ chối đến bệnh viện. Hoặc mọi người sẽ mua tất cả các khẩu trang phòng độc N95 có tính bảo vệ cao, và sẽ không chừa lại cho các nước đang phát triển”, ông nói.
Jimenez cho biết, WHO đánh giá bằng chứng về việc virus lây truyền qua đường không khí là không thuyết phục về mặt khoa học, và thiếu đại diện từ các chuyên gia về việc virus lây truyền qua khí dung.
Bất kỳ thay đổi nào trong đánh giá rủi ro lây truyền của WHO đều có thể ảnh hưởng đến khuyến nghị hiện tại của họ về việc giữ khoảng cách 1m. Các chính phủ, dựa vào chính sách hướng dẫn, cũng có thể phải điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng nhằm mục đích kiềm chế sự lây lan của virus.
Van Kerkhove cho biết, WHO sẽ công bố một bản tóm tắt khoa học tóm tắt nhận biết về các phương thức lây truyền virus trong những ngày tới.
“Một kế hoạch toàn diện là điều cần thiết để có thể ngăn chặn nguy cơ lây truyền,” cô nói.
“Điều này bao gồm không chỉ giữ khoảng cách vật lý, mà còn bao gồm việc sử dụng khẩu trang trong một số hoàn cảnh nhất định, đặc biệt là nơi bạn không thể giữ khoảng cách như đối với các nhân viên y tế”.
Thiện Thành (Theo Reuters)