Warka water – Phát minh độc đáo giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thế giới
Arturo Vittori, một kiến trúc sư người Italia đã phát minh ra một công trình mang tên Warka water có khả năng thu thập hơi nước và độ ẩm trong không khí rồi biến nó thành nước sạch. Phát minh ý nghĩa này có thể giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thế giới hiện nay.
Hiện nay trên thế giới, nước sạch đang là nguồn tài nguyên cực kì quý giá và rất khan hiếm ở một số vùng đất. Theo báo cáo của WHO, khoảng 2,4 tỉ người trên thế giới không có nước sạch để uống hàng ngày, và 1,8 tỉ người phải uống những nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Chẳng hạn ở Ethiopia, để có nước sạch, người dân nhiều nơi phải đi bộ hàng giờ đến nguồn nước, gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày.
Chính vì lẽ đó, một kiến trúc sư người Italia có tên Arturo Vittori đã tìm tòi và phát minh ra một công trình có khả năng thu thập hơi nước và độ ẩm trong không khí rồi biến nó thành nước sạch uống được. Ông đặt tên cho công trình này là Warka Water, theo tên loài cây Warka rất phổ biến ở Ethiopia mà người dân thường tụ tập dưới bóng của nó để sinh hoạt.
Thông thường trong tự nhiên, có rất nhiều loài động thực vật có khả năng thu thập nước trong không khí rồi tích trữ bên ngoài cơ thể để sống sót trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt. Bằng cách nghiên cứu tập quán tích trữ nước trên vỏ của một loài bọ cánh cứng có tên Namib, của lá sen, mạng nhện và xương rồng, Vittori đã tìm ra được vật liệu thích hợp dùng để thu thập và tích trữ nước từ không khí, đồng thời lại rẻ và dễ tìm, đó chính là tre và sợi gai dầu.
Để lắp đặt được những ngọn tháp nước có khung bằng tre này, Vittori phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai sinh viên đến từ Đại học Kiến trúc Addis Ababa ở Ethiopia. Xung quanh tháp nước được bao phủ bởi các mạng lưới đan từ sợi gai dầu dùng để thu thập nước mưa, sương mù và sương sớm. Sau đó những giọt nước đọng này sẽ nhỏ xuống một bể chứa nằm ở dưới chân tháp.
Chỉ cần một ngọn tháp như thế này, người ta có thể thu thập được khoảng 100l nước mỗi ngày. Hơn nữa, việc lắp đặt lại khá đơn giản và dễ dàng di chuyển. Người dân ở Ethiopia đã không còn phải đi bộ hàng giờ để lấy nước nữa, nhờ thế trẻ em ở đây sẽ có thêm nhiều thời gian để đi học.
Vittori đã thực hiện dự án Warka Water trong suốt 3 năm qua, lắp đặt rất nhiều tháp nước ở Ethiopia, Lebanon và Brazil. Sắp tới ông có ý định đưa dự án này tới Indonesia và Colombia. Ngoài ra, ông còn muốn biến phát minh này từ một ngọn tháp thu thập nước trong không khí làm nước uống trở thành nguồn cung cấp nước cho cây trồng ở những vùng đất khô hạn.
Theo Thế Giới Trẻ