Vụ thuốc Trung Quốc có chất gây ung thư: Chỉ là phần nổi của tảng băng trôi!
Một loại thuốc chuyên điều trị cao huyết áp và suy tim do Trung Quốc sản xuất bị thu hồi với quy mô lớn trên toàn thế giới, do lo ngại nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ một phần sự thật bị phát giác.
Một chuyên gia cảnh báo về sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Mỹ đối với các loại thuốc do Trung Quốc sản xuất, và cho biết đây chỉ là một trường hợp điển hình có thể nêu bật những vấn đề rộng lớn hơn về các loại dược phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Ngày 13/7, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố quyết định thu hồi 29 loại thuốc valsartan đơn chất và 51 loại thuốc valsartan kết hợp các chất khác.
Trước đó vào ngày 5/7, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng ra quyết định thu hồi tương tự, sau khi thuốc chứa Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất bị phát hiện có tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA). Việc tiếp xúc và sử dụng lâu dài chất này được xác minh là làm tăng nguy cơ mắc ung thư, cũng như gây ra các triệu chứng như đau đầu và sốt.
Thuốc điều trị cao huyết áp có chứa valsartan được sử dụng rộng rãi ở Anh và cơ quan quản lý dược nước này cùng nhiều nước châu Âu ra lệnh rà soát lại tất cả thuốc generic trị cao huyết áp và bệnh tim có chứa valsartan. Thuốc generic là thuật ngữ chỉ thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược gốc đã hết hạn.
Valsartan ban đầu do công ty dược Thụy Sĩ Novartis phát triển dưới cái tên Diovan. Tuy nhiên, sau khi hết hạn bản quyền, loại thuốc này được nhiều công ty khác sản xuất. Ngoài tác dụng giảm huyết áp cao, thuốc còn được sử dụng để điều trị bệnh tim.
Theo các nhà quản lý dược phẩm châu Âu, hóa chất gây ung thư có thể đã xuất hiện trong các lô thuốc từ năm 2012 của nhà sản xuất Zhejiang Huahai. Nguyên nhân được cho là do công ty Trung Quốc này đã thay đổi quy trình sản xuất thuốc tại thời điểm đó.
Điều này cũng có nghĩa là trong 6 năm qua, một số lượng lớn bệnh nhân trên toàn thế giới đã tiếp xúc với hoạt chất gây ung thư trong thuốc valsartan của mình.
Hãng dược Zhejiang Huahai vẫn chưa có phản ứng gì, và cũng không đưa ra bình luận gì trước yêu cầu của tờ Epoch Times. Công ty này, bán được 50 triệu USD thuốc valsartan trong năm 2017, thừa nhận trong một thông cáo rằng một số thuốc valsartan của họ bị nhiễm hóa chất độc, nhưng không nêu chi tiết vụ việc.
Bà Rosemary Gibson, cố vấn cấp cao của Trung tâm Hastings và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về các vấn đề chăm sóc sức khỏe đã nói với tờ Epoch Times rằng: Vụ việc này chính là một trong số các vụ bê bối mới nhất của dược phẩm Trung Quốc. Nó cho thấy những loại thuốc do nhà sản xuất Trung Quốc tạo ra đã trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thậm chí nó có thể được xem là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ.
“Hiện nay, nhiều người không tin tưởng vào các loại thuốc được sản xuất tại Trung Quốc”, bà Gibson phát biểu. “Công chúng muốn thuốc được sản xuất an toàn hơn. Chất độc gây ung thư đang ẩn chứa trong thuốc valsartan đặt ra câu hỏi rằng: Liệu các dược phẩm khác được sản xuất ở Trung Quốc có đi ngược lại với tiêu chuẩn toàn cầu mà mọi người đang chấp nhận hay không?”.
Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung (USCC): Trung Quốc chính là nơi cung cấp nguồn thuốc giả và nhiều loại thuốc kém chất lượng. Chính quyền Trung Quốc thời gian qua cũng đã cho thấy rằng họ không có khả năng loại bỏ tất cả các loại thuốc độc hại. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thích sử dụng những loại dược phẩm do Mỹ sản xuất, vì lo ngại về chất lượng của các dòng sản phẩm trong nước.
Dược phẩm Trung Quốc: Mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ
Zhejiang Huahai là một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên được cấp phép bán thuốc ở Mỹ. Đồng thời, nó cũng là một trong những nhà xuất khẩu dược phẩm lớn nhất Trung Quốc có mối quan hệ đối tác với thị trường Mỹ và châu Âu.
Bà Gibson cho biết, vấn đề không chỉ giới hạn trong công ty dược phẩm Zhejiang Huahai, mà vụ thuốc valsartan nhiễm chất độc còn nêu bật các vấn đề chung liên quan đến chất lượng thuốc và quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ khi sử dụng các loại thuốc do Trung Quốc sản xuất.
Gibson nói: “Người Mỹ và Châu Âu cần phải nhận ra rằng Trung Quốc không có luật bảo vệ người tiêu dùng như chúng ta. Cho nên nếu người tiêu dùng trong nước muốn nộp đơn kiện một công ty Trung Quốc, họ sẽ không có đủ may mắn để thắng kiện”.
Thời gian qua, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của mình. Chỉ tính riêng tại các bệnh viện và nhà thuốc Mỹ đã có hàng ngàn loại thuốc do Trung Quốc sản xuất được bày bán rộng rãi. Trong tương lai gần, nước này hoàn toàn có thể vượt qua Ấn Độ và trở thành nhà sản xuất thuốc chính ở Mỹ.
Cũng theo bà Gibson, việc Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các loại thuốc sản xuất tại Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ. Theo đó, Mỹ đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang áp dụng chính sách đối ngoại và quân sự ngày càng tích cực.
Bà nói: “Chúng ta cần xem dược phẩm như loại tài sản chiến lược, giống như cách mà chúng ta nhìn nhận nguồn cung cấp dầu mỏ và năng lượng. Tài sản chiến lược là thứ có thể khiến cho đất nước sụp đổ nếu chúng ta không có nó”.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Epoch Times vào tháng 5, bà Gibson đã thảo luận về cuốn sách mới nhất của mình mang tựa đề: “China RX: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine” (tạm dịch: Trung Quốc RX: Hiểm họa của Mỹ khi dựa vào dược phẩm Trung Quốc). Ấn phẩm này do bà và nhà nghiên cứu Janardan Prasad Singh đồng sáng tác.
Nội dung quyển sách nêu lên những yếu tố đã giúp Trung Quốc ngày càng nâng cao vị thế trong lĩnh vực sản xuất thuốc, và hậu quả dành cho Mỹ và thế giới.
Trong đó, bà Gibson và Singh còn nêu chi tiết cách thức Trung Quốc đã vượt mặt các nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ, cũng như toàn cầu. Cụ thể, họ đã làm làm suy yếu sức mạnh của đối thủ cạnh tranh bằng cách ăn cắp công nghệ đối thủ cạnh tranh, bán phá giá, và chèn ép nhiều ngành công nghiệp dược phẩm quan trọng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm cho đối thủ sụp đổ.
Ở thời điểm hiện tại, dược phẩm được xếp vào danh sách 10 mặt hàng đầu ngành thuộc kế hoạch “Made in China 2025”, một chiến lược công nghiệp được chính phủ Trung Quốc đưa ra trong năm 2015. Nó đã vạch rõ đường lối phát triển chính sách công nghiệp của Trung Quốc để bắt kịp và vượt mặt các đối thủ mạnh như Mỹ, Nhật Bản và Đức trong hàng loạt các cuộc thi công nghệ.
Chiến lược được vạch ra của Bắc Kinh là cung cấp trợ cấp chính phủ và hỗ trợ tích cực cho các nhà sản xuất Trung Quốc để giúp họ nắm bắt được thị trường toàn cầu. Song song đó, quốc gia này còn thực thi chính sách bảo hộ trong nước, để loại trừ khả năng cạnh tranh nhập khẩu sản phẩm của các đối thủ nước ngoài.
>>> Các bệnh viện Hà Nội thu hồi thuốc Trung Quốc có chất gây ung thư
>>> Bê bối vắc-xin giả tại Trung Quốc, quan chức thăng tiến sau vụ sữa nhiễm melamine
Tú Văn, theo Epoch Times